FDI vào lĩnh vực bất động sản: Dòng tiền đang chuyển động

In

Theo Nguyên Đức

(baodautu.vn) Chưa ấn định một ngày chính xác, nhưng rất có thể, đầu tháng 2 năm tới, Dự án Hồ Tràm Strip, một trong những dự án BĐS được quan tâm nhất trong thời gian qua, với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ khai trương khu resort đầu tiên - MGM Grand Hồ Tràm.


Trước mắt, theo thông tin của ông Lloyd Nathan, Tổng giám đốc Điều hành của Asian Coast Development Limited (ACDL - Canada), chủ đầu tư của Hồ Tràm Strip, khu resort này sẽ bao gồm một khách sạn 541 phòng; một khu giải trí, trong đó có hạng mục khu vui chơi

Với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, Hồ Tràm Strip là dự án bất động sản được quan tâm nhất thời gian qua. Ảnh: Đức Thanh

có thưởng dành cho người nước ngoài, rộng 13.600 m2 và các khu vực hội thảo tiêu chuẩn quốc tế, nhà hàng, spa, bể bơi, khu tắm biển…

“Chúng tôi cũng đang chuẩn bị xây dựng một khách sạn thứ hai trong khu resort này, với quy mô 549 phòng. Như vậy, tổng số phòng khách sạn trong MGM Grand Hồ Tràm sẽ là 1.100”, ông Nathan nói và cho biết, ACDL phải chi khoảng 450 triệu USD cho việc hoàn thành giai đoạn I của MGM Grand Hồ Tràm.


Như vậy, mặc dù phải tới sang năm, Hồ Tràm Strip mới bắt đầu đi vào hoạt động, song việc một dự án lớn, sau nhiều lần trì hoãn, đang có những động thái tích cực khiến dư luận kỳ vọng vào một sự chuyển động của dòng vốn FDI trong lĩnh vực BĐS, vốn khá trầm lặng trong thời gian qua.


Thực tế, sau một năm 2010 thành công vượt bậc với thu hút FDI trong lĩnh vực BĐS lên tới 6,84 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam, năm ngoái, cả tổng vốn đăng ký và tăng thêm trong lĩnh vực này chỉ đạt 845,6 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, năm 2012, dòng vốn FDI vào BĐS sẽ có những chuyển biến tích cực. 4 tháng đầu năm 2012, đã có 1,57 tỷ USD vốn FDI đổ vào lĩnh vực này.


Dự án Thành phố mới Bình Dương, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, của liên doanh Tokyu (Nhật Bản) và Becamex, chính là dự án có đóng góp nhiều nhất cho thống kê FDI BĐS trong những tháng đầu năm. Dự án này, vừa nhận chứng nhận đầu tư đã ngay lập tức khởi công xây dựng hồi đầu tháng 3/2012.


Trong khi đó, thông tin mới nhất, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc(KDB) đã vừa chính thức công bố, huy động 200 triệu USD cho giai đoạn I Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây Hà Nội Việt Nam, do Daewoo E&C làm chủ đầu tư. Nguồn vốn huy động từ các ngân hàng thương mại này sẽ tăng cường nguồn tín dụng cho Daewoo E&C và thúc đẩy Dự án tăng tốc triển khai. Nhiều khả năng, cuối năm nay, Dự án có tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD này, sẽ bắt đầu triển khai xây dựng một phần công trình kiến trúc.


Cùng với những nhà đầu tư tạm xem là “đã cũ”, thông tin gần đây cho thấy, Tập đoàn đầu tư BĐS Blenheim cũng đang rất quan tâm tới các cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam. Năm 2007, Blenheim (Anh) đã từng đến Việt Nam và đầu năm nay, cũng đã bắt đầu có những đề xuất về việc triển khai Dự án Thành phố Công nghệ cao ở Hà Nội.


Điều đáng nói là, không chỉ quan tâm tới đầu tư dự án mới hay thúc đẩy giải ngân, dòng vốn FDI trong lĩnh vực BĐS cũng đang có xu hướng dịch chuyển theo hình thức mua bán và sáp nhập (M&A). Theo quan điểm của ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, thời gian qua, hoạt động M&A đã gia tăng tại Việt Nam, với một số giao dịch có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và những giao dịch này, sẽ mở đường cho nhiều hoạt động M&A hơn nữa trong một vài năm tới.


“Thêm vào đó, lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện các thương vụ mua bán tài sản do chủ đầu tư gặp khó khăn về thanh khoản. Với những ai đã bỏ tiền đầu tư, thì mức giá hiện nay được coi là quá thấp, còn đối với những nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường, thì đây lại là cơ hội để mua tại mức giá thực. Chúng tôi tin rằng, tất cả những yếu tố này sẽ giúp thúc đẩy lượng vốn FDI trong năm 2012”, ông Townsen phân tích.


Liên quan tới các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS, SP Setia Bhd, một trong những công ty BĐS lớn nhất Malaysia, cũng đã vừa bày tỏ rằng, mức giá thấp trên thị trường hiện tại sẽ đem lại những cơ hội tốt trong việc tìm kiếm mua lại những dự án dở dang của những nhà đầu tư khác gặp khó khăn về tài chính. “Chúng tôi đang tìm kiếm các cơ hội tại đây. Tôi tin rằng, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư trong nước đang gặp khó khăn lớn về tài chính, cũng đang muốn tìm kiếm những đối tác lớn tham gia vào phát triển dự án cùng với họ”, ông Alex Loh, Trưởng đại diện thường trú của SP Setia tại Việt Nam, nói.


Theo ông Alex, SP Setia đang hướng tới việc mở rộng đầu tư tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, vì nhu cầu thực tế về nhà ở đây vẫn còn rất lớn. Hiện tại, SP Setia đang phát triển hai dự án tại Bình Dương bao gồm Eco Lakes và Eco Xuan, và vẫn coi Việt Nam là một điểm đầu tư tốt, có tiềm năng về dài hạn. “Chúng tôi cho rằng, thị trường BĐS luôn có chu kỳ của nó và chúng tôi là nhà đầu tư dài hạn. Thực trạng thị trường không ảnh hưởng đến cam kết đầu tư lâu dài của chúng tôi tại Việt Nam”, ông Alex nói.

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM