Sự nhập nhèm về chất lượng xây dựng, thiếu chuyên nghiệp trong quản lý dự án tại hàng loạt dự án gắn mác “chung cư cao cấp” ở Hà Nội đang làm nản lòng không ít người sử dụng.
Vô cảm với khách hàng Những người mua chung cư cao cấp tại Dự án Golden Westlake (đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) đang khóc ròng, bởi sự thật mà họ phải đối diện khác xa với những lời giới thiệu ban đầu của chủ đầu tư về một khu căn hộ cao cấp bậc nhất Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Ngọc Chung, chủ căn hộ số 610 tháp Tây Dự án Golden Westlake kể ra những "chiêu" kinh doanh “tiền hậu bất nhất” của chủ đầu tư dự án là Công ty Liên doanh Hà Việt Tung Shing. |
Hợp đồng đặt mua căn hộ có ghi đủ chi tiết về chủng loại vật liệu xây dựng, nội thất và kết cấu của căn hộ, song khi xây dựng, nhiều chi tiết đã bị chủ đầu tư tự ý thay đổi, mà không hề báo lại với khách hàng. Hàng loạt tiện ích hấp dẫn đi kèm như nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, chỗ đỗ xe..., mà chủ đầu tư giới thiệu với khách hàng khi đến ký hợp đồng đặt mua căn hộ, đều không được đưa vào tiện ích chung của khu nhà.
Ngoài ra, hiện tại, người dân trong khu nhà phải thuê chỗ đỗ xe với giá cao, cùng những điều khoản hết sức… tai ngược của chủ đầu tư. Theo Hợp đồng thuê chỗ đỗ xe tại Golden Westlake giữa Công ty Hà Việt Tung Shing với bà Đặng Thị Thanh Hà, ngoài tiền mua căn hộ có trị giá hàng trăm ngàn USD, để có chỗ đỗ xe ở trong chính khu nhà của mình, bà Hà phải trả thêm cho Công ty số tiền 1,18 tỷ đồng. Khách hàng tại dự án này đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện là bao.
Một dự án gắn mác chung cư cao cấp khác cũng bị khách hàng kiện tụng vì chất lượng tệ hại của công trình sau khi đưa vào sử dụng là Dự án chung cư M3 – M4 Nguyễn Chí Thanh. Sau khi hoàn thành, toàn bộ tầng 1 và tầng 2 của công trình đã được hoán cải thành nhà hàng, quán cà phê, khiến tường và móng nhà bị lún, nứt nghiêm trọng. Người dân sống trong khu chung cư này nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên TP. Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thiếu hành lang pháp lý
Theo ông Vũ Quốc Khánh, Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Sông Đà Thăng Long, thời gian qua, còn có không ít dự án khác trên địa bàn TP. Hà Nội (tại khu vực Tô Hiệu, Hà Đông; Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân… ) có tên gọi “chung cư cao cấp”, nhưng thực tế suất đầu tư lại thấp, khoảng 13 - 14 triệu đồng/m2, tiện nghi ở mức trung bình, khiến người mua nghi ngờ chất lượng thực sự của các dự án thuộc phân khúc thị trường này.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý quy định và quản lý loại hàng hóa đặc biệt giá trị này. Hiện tại, chỉ có Thông tư số 14/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về tiêu chí đánh giá, phân hạng nhà chung cư. Tuy nhiên, thông tư này cũng có nhiều quy định khá định tính và bất cập, nên chưa thực hiện được mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Việc thiếu hành lang pháp lý cũng tạo sự tùy tiện trong tự đánh giá, phân loại nhà chung cư của các chủ đầu tư. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn làm liên luỵ tới những nhà đầu tư nghiêm túc, vì sản phẩm thực sự cao cấp của họ không được phân biệt rạch ròi với các sản phẩm khác.
Theo ông Khánh, một dự án chung cư cao cấp cần có quy hoạch, kiến trúc đồng bộ với không gian, đảm bảo hệ số sử dụng đất, diện tích cây xanh, bãi đỗ xe phù hợp; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ, cung cấp các tiện nghi và dịch vụ không những đáp ứng các yêu cầu thiết yếu, mà cả những yêu cầu cao cấp của người dân sinh sống tại chung cư. Đặc biệt, việc quản lý, vận hành chung cư cần được thực hiện chuyên nghiệp, rõ ràng và minh bạch, để đảm bảo và duy trì chất lượng sống của cư dân.
Thị trường sẽ sàng lọc
Trên thực tế, tại Hà Nội, vẫn có không ít dự án được đầu tư chuyên nghiệp, với kiến trúc khang trang, hạ tầng đồng bộ, trang thiết bị nội thất đạt chất lượng cao, như tổ hợp khách sạn và chung cư cao cấp Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc), Dự án chung cư cao cấp Mulberry Lane của Capital Land (Singapore) hay tổ hợp chung cư cao cấp UsilkCity với 13 tòa tháp, 3.000 căn hộ, chạy dọc trên 1 km mặt đường Lê Văn Lương kéo dài - cửa ngõ Tây Nam của Hà Nội…
Theo ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long, việc đảm bảo chất lượng và thời gian thi công đúng tiến độ là nỗi lo lớn nhất của đơn vị phát triển dự án bất động sản. Để đảm bảo chất lượng dự án như đã cam kết, doanh nghiệp phải rất chú trọng tới việc áp dụng công nghệ, thiết bị thi công, xây dựng tiên tiến nhất, với sự giám sát của các chuyên gia quốc tế.
Đánh giá tiềm năng phân khúc thị trường căn hộ cao cấp, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, với số dân khoảng 6,5 triệu người, tốc độ tăng trưởng 9 -10% trong giai đoạn 2011-2020, sự xuất hiện ngày càng tăng của tầng lớp trẻ biết “kiếm tiền” và “tiêu tiền”, thì tại Hà Nội, nhu cầu tìm một nơi “an cư” chất lượng cao vẫn rất cao. Chỉ có điều, thị trường sẽ ngày một khó tính hơn.
Đồng quan điểm, ông Việt khuyến cáo: “Chủ đầu tư cũng cần có cách nhìn bài bản trong việc xây dựng những công trình chất lượng, cung cấp những dịch vụ hấp dẫn hơn, bởi chính khách hàng sẽ là người thẩm định chất lượng và quyết định sự thành công của dự án”.