You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành Mở rộng cơ chế cho các đơn vị sự nghiệp
 
 

Mở rộng cơ chế cho các đơn vị sự nghiệp

Email In

Ngày 20/8, lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa làm việc với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc để bàn về lộ trình chuyển đổi sang tự chủ (tự chủ về tổ chức, biên chế và tài chính). Đây là dịp để các đơn vị giãi bày những khó khăn gặp phải để Bộ Xây dựng tổng hợp, tìm hướng giải quyết.

 

Khó khăn

 

Thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 về Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập... các đơn vị sự nghiệp của Bộ đã có những lộ trình chuyển đổi. Tùy theo nhiệm vụ được giao, có đơn vị đã chuyển đổi hoàn toàn, có đơn vị đã chuyển đổi một phần...

Nhờ một phần tự chủ, từ một Trung tâm y tế ngành Xây dựng đã trở thành bệnh viện hạng 1, thu hút đội ngũ y bác sĩ giỏi từ nhiều bệnh viện lớn về làm việc.

 

Theo TS Đỗ Đình Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, thì một số đơn vị thuộc trường làm dịch vụ, tư vấn khi hoạt động tự chủ phát triển rất tốt. Tuy nhiên với chức năng đào tạo như hiện nay, để chuyển đổi trường sang tự chủ về tài chính, trường sẽ gặp những khó khăn nhất định. Quy định của Nhà nước về thu học phí hiện nay rất thấp, chỉ 240 nghìn đ/SV/tháng, trong khi các chế độ lương của gáo viên tăng liên tục, không phù hợp với lộ trình tăng học phí; thêm nữa, các ngành nghề đào tạo về mỹ thuật kiến trúc chi phí đào tạo thường gấp 2 lần bình thường nhưng không được tính... Với mỗi sinh viên, trường chỉ thu học phí 3 triệu đồng/năm, trong khi các trường dân lập thu tới 15 - 17 triệu đồng/năm.

 

Tương tự, ông Trịnh Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 1 cho biết, hiện đào tạo nghề rất khó khăn do không tuyển sinh được. Hoạch toán thì lỗ nhưng vì vẫn trường lớp, giáo viên như thế nên phải xin thêm chỉ tiêu để duy trì hoạt động bình thường. Việc tiết kiệm chỉ đủ cho sửa chữa nhỏ, không có vốn để đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, trách nhiệm của nhà trường với xã hội rất lớn (miễn giảm học phí cho con em các đối tượng chính sách, dân tộc...) khoảng 2 tỷ đồng, trong khi nguồn kinh phí cấp hàng năm chỉ 7 tỷ đồng. Do vậy khi chuyển sang tự chủ, đề nghị Nhà nước hỗ trợ phần kinh phí này.

 

Tìm hướng

 

Lãnh đạo các đơn vị đều ủng hộ chủ trương tự chủ của Chính phủ. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc thực hiện, các đơn vị đều kiến nghị Bộ cần có cơ chế thì triển khai mới có hiệu quả. Theo TS Đỗ Đình Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, trước những khó khăn về học phí theo chỉ tiêu tuyển sinh của Nhà nước, Trường đã xin Bộ GD&ĐT thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến, giáo viên giảng dạy bằng tiếng Anh, thu học phí 1.000 USD/năm. Có kinh phí nên chất lượng đào tạo hơn hẳn, thu nhập cho giáo viên cũng tăng gấp 3 lần. “Nếu cho chúng tôi toàn quyền quyết định học phí thì vấn đề tự chủ quá dễ dàng”, ông Đức nói.

 

Tạo cơ chế sẽ giúp đơn vị năng động, linh hoạt hơn, đáp ứng với yêu cầu phát triển mà điển hình là từ Bệnh viện Xây dựng. Theo TS.BS Lê Thị Hằng - Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, từ một Trung tâm Y tế Xây dựng thành lập năm 1990, cơ sở vật chất ban đầu là nhà trẻ của Liên hiệp Xí nghiệp bê tông tấm lớn, 20 năm qua, Bệnh viện chỉ được đầu tư 5 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, nhưng với những bước đi đúng và vững chắc cộng với cơ chế xã hội hóa, giờ đây Bệnh viện Xây dựng đã trở thành bệnh viện hạng 1 với 180 giường, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, thu hút được đội ngũ y bác sĩ giỏi từ các bệnh viện lớn về làm việc. Không những đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của CBCNV trong Ngành, bệnh viện đang là địa chỉ tin cậy của các bệnh nhân trong khu vực. Hiện mỗi ngày bệnh viện thu hút khoảng 1.000 lượt người tới khám chữa bệnh, trong đó tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 40 bệnh nhân. Bệnh viện Xây dựng cũng vừa đựợc UBND TP Hà Nội cấp 2,5ha đất tại khu tây nam Linh Đàm để xây dựng bệnh viện mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của một bệnh viện Ngành.

 

Tạo cơ chế

 

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh: Thủ trưởng các đơn vị phải quán triệt các chính sách, nghị định của Chính phủ về lộ trình thực hiện, làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Nhu cầu này đòi hỏi từ sự phát triển kinh tế của đất nước, vì vậy, lãnh đạo các đơn vị phải xác định phải bắt đầu hoạt động giống như DN. “Việc cấp vốn cho các đơn vị coi như là Nhà nước cho vay để anh hoạt động. Cuối năm nguồn vốn vẫn còn đủ là hoạt động an toàn, tiêu thâm vào coi như là lỗ. DN mà hoạt động lỗ 2 năm liên tục thì phải thay giám đốc. Giờ các đơn vị sự nghiệp cũng coi như hoạt động của mình như hoạt động của DN vậy. Để làm được điều đó lãnh đạo đơn vị phải có bộ phận giúp việc về quản trị. Bộ khuyến khích Thủ trưởng các đơn vị nên có Thủ phó chuyên về tài chính để giúp đơn vị quản trị hoạt động có hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, những ý kiến của các đơn vị sẽ được Bộ tổng hợp. Bộ sẽ giải quyết những vướng mắc trong thẩm quyền của Bộ. Những vướng mắc khác ngoài thẩm quyền sẽ được Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét

 

 

Lộ trình thực hiện:

Hiện Bộ Xây dựng có 4 viện, 11 trường và 6 đơn vị sự nghiệp.

- Có 2 đơn vị đã tự chủ hoàn toàn là Báo Xây dựng và Tạp chí Xây dựng.

- Cuối năm 2010 có 2 viện tự chủ hoàn toàn là Viện KHCNXD và Viện VLXD.

- Năm 2012 là các đơn vị: Viện Kinh tế Xây dựng, Viện KTQHĐT&NT.

- Các đơn vị còn lại kết thúc vào năm 2015.

 


Trần Anh
 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM