You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Sửa chữa đường bằng công nghệ mới

Email In

 

Sửa chữa quốc lộ 1A bằng công nghệ mới - Ảnh: Ngọc Ẩn

TT - Sáng 25-7, liên danh nhà thầu Công ty Vietserve Technology và Công ty cổ phần ôtô xe máy Hoàng Trang đã triển khai thi công sửa chữa quốc lộ 1A - đoạn từ cầu Bình Phước đến chùa Khánh An (Q.12, TP.HCM) - bằng công nghệ mới.

Theo đó, đoàn xe gồm bảy chiếc đã cào bóc lớp nhựa mặt đường bị hư hỏng, tái sử dụng nhựa đường cũ sau khi thêm chất phụ gia rồi phủ lên trên bề mặt đường một lớp nhựa mới dày 4cm.

Theo ông Trần Văn Duy Tường - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3, chủ đầu tư dự án, sử dụng công nghệ mới đã rút ngắn thời gian thi công sửa chữa đoạn quốc lộ 1A dài 400m chỉ mất một ngày thay vì mất 15 ngày và có chi phí thấp hơn so với kiểu thi công cũ.

Mốt bất động sản 'xanh' tại TP HCM

Email In
Nhà mở ra nhiều hướng, cảnh quan sông suối, ao hồ, cây xanh bao bọc, cách xa tiếng ồn đang là dòng sản phẩm thời thượng trên thị trường địa ốc. Giá bán mỗi căn lên tới hàng triệu USD.
 
Trước đây với lợi thế bãi biển đẹp các tỉnh khu vực miền Trung (Nha Trang, Phan Thiết, Quảng Nam, Đà Nẵng...) và Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thành công khi đi tắt đón đầu, công bố nhiều dự án resort hạng sang. Kế đến là vùng đất có khí hậu ôn hoà như Lâm Đồng (Đà Lạt) đã rầm rộ tung ra nhiều dự án biệt thự nghỉ dưỡng thấp thoáng trong rừng thông kéo du khách đến thành phố sương mù. Làn sóng này tạo hiệu ứng domino và có nhiều biến tấu, lan sang cả những thành phố nhộn nhịp, đông dân.

Dự án Đảo Kim Cương trên cù lao giữa lòng Sài Gòn đang triển khai phần thân và tạo dựng cảnh quan. Ảnh: Vũ Lê

 

Điển hình là TP HCM, tuy không có bờ biển đẹp, núi đồi, cao nguyên và khí hậu se lạnh nhưng cũng không chịu kém cạnh các tỉnh bạn. Nhiều nhà đầu tư đã tận dụng tiềm năng sông nước Sài Gòn để phát triển bất động sản kèm theo những thảm thực vật xanh ven sông nhằm tạo giá trị gia tăng cho dự án. Dòng sản phẩm này là căn hộ xanh, biệt thự ven sông có lối kiến trúc mở, lộ thiên, tận dụng không gian tự nhiên. Hầu hết các dự án thường lùi xa nội đô thành phố nhưng được kết nối giao thông thuận tiện.

Tại TP HCM, căn hộ xanh đã manh nha từ "điểm nóng" hạ tầng được đầu tư hoành tráng là quận 2, 7 rồi lan sang các quận vùng rìa nội đô như huyện Nhà Bè, quận 9, Thủ Đức. Giới chuyên gia bất động sản dự báo, xu hướng đầu tư các sản phẩm địa ốc hài hoà với môi trường, nhiều mảng xanh sẽ đánh thức được những tiềm năng chưa có điều kiện toả sáng của Sài Gòn.

Cách đây 15 năm, khu Nam TP HCM bắt tay xây dựng đô thị mới Phú Mỹ Hưng từ vùng đầm lầy thành khu đô thị kiểu mẫu. Với môi trường sống trong lành, dự án đã thu hút hàng nghìn người về đây sinh sống, trong đó nhiều chuyên gia nước ngoài.

Hơn một năm trở lại đây, quận 2 tiếp tục nổi lên vành đai mới tại Đảo Kim Cương. Căn hộ trong dự án trị giá hàng triệu USD có thiết kế thân thiện môi trường. Tận dụng lợi thế cù lao của khu đất có ba mặt giáp sông, một mặt giáp rừng phòng hộ, chủ đầu tư đã xây bờ kè vĩnh cửu và bến du thuyền, tạo thêm ao hồ, hoa cỏ và trồng cây xanh. Một ngọn đồi nhân tạo cao 9m được xây dựng làm vườn treo để xây dựng các căn hộ và ngầm hoá toàn bộ hệ thống giao thông nội khu.

Trong giai đoạn hoàn thiện, dự án đã bán được 60% sản phẩm giai đoạn đầu dù thị trường địa ốc Sài Gòn khá trầm lắng. Theo tiết lộ của chủ đầu tư, 40% số lượng căn hộ trị giá 1-2 triệu USD đã có chủ.

Cùng với trào lưu này, Công ty Nhà Việt Nam đã đầu tư dự án The Boat Club Residence tại quận 9, TP HCM hướng tới dòng sản phẩm căn hộ, biệt thự ven sông nước. Khu biệt thự được bố trí công viên, rạch nắn dòng nhân tạo, đài phun nước. Các căn hộ chung cư có tầm nhìn hướng ra bờ sông để lấy cảnh quan thông thoáng. Công viên bao quanh các con rạch, cây xanh, lối đi bộ, điểm câu cá, bến du thuyền… nằm dọc dự án.

Năm ngoái, ý tưởng xây resort phủ thảm xanh giữa lòng Sài Gòn cũng đã được tính đến. Một doanh nghiệp có thâm niên ngành nhà hàng tiệc cưới tại TP HCM tiết lộ đang tính đến chuyện đầu tư vào dự án resort vị trí gần sân bay Tân Sơn Nhất. "Resort giữa chốn ồn ào như Sài Gòn sẽ mang lại trải nghiệm mới cho du khách đến TP HCM", vị doanh nghiệp này cho hay.

Đi chếch về phía Đông Nam cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km, huyện Cần Giờ cũng đã có một dự án lấn biển mang tên Vịnh Mặt Trời (Saigon Sunbay). Dự án này sẽ được bao quanh bởi biển và rừng ngập mặn thuộc khu lưu trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.

Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Khương Văn Mười phân tích, bất động sản xanh hay còn gọi bất động sản sinh thái đang là xu hướng chung cả thế giới đang nỗ lực hướng đến. Hiện nay có thể hiểu từ sinh thái gần giống như một phạm trù thời thượng của bất động sản.

Theo đó, căn hộ, biệt thự phải được thiết kế hài hoà với thiên nhiên để bảo vệ môi trường sống. Hiện các dự án tại Việt Nam bắt đầu chú trọng đến yếu tố này là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ông Mười cho biết, chuẩn mực để đánh giá là bất động sản sinh thái tại Việt Nam vẫn chưa được định lượng cụ thể.

Giới kinh doanh bất động sản cho rằng, mặc dù căn hộ, biệt thự sinh thái là phân khúc đầy tiềm năng và có giá trị bền vững nhưng suất đầu tư lớn, giá thành cao, lại kén khách nên dòng sản phẩm này chỉ phù hợp đối với các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính hùng hậu.

 

Dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú

Email In
Hữu Huân
Công ty cổ phần Trung Nam Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn Trung Nam Group) vừa chính thức ký kết hợp đồng với Công ty S.O.M (Skidmore, Owings & Merrill LLP) của Mỹ để thiết kế quy hoạch tổng thể Dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú có vốn đầu tư 1,654 tỷ USD tại TP. Đà Nẵng.
Đây có thể coi là bước đột phá mới của dự án đang được nhiều người ở Đà Nẵng quan tâm.

Dự án Khu đô thị sinh thái (KĐTST) Quan Nam - Thủy Tú do Công ty cổ phần Trung Nam Đà Nẵng (Trung Nam Land) làm chủ đầu tư tọa lạc tại phường Hoà Hiệp Nam, Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu và xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng. Đây là một trong những vị trí chiến lược trong kế hoạch phát triển của TP. Đà Nẵng về hướng Tây Bắc.

Có tổng diện tích 382 ha, Dự án bắt đầu tại cửa sông đổ ra vịnh Đà Nẵng và kéo dài dọc bờ sông Cu Đê. KĐTST Quan Nam-Thủy Tú sẽ là đầu mối giao lưu thương mại nối phía Bắc với trung tâm TP. Đà Nẵng thông qua tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, Quốc lộ 1A ra hầm Hải Vân; là điểm kết nối đường cao tốc Liên Chiểu - Dung Quất và cảng biển Liên Chiểu sẽ được xây dựng trong tương lai.

Dựa trên định hướng phát triển của TP. Đà Nẵng, KĐTST Quan Nam - Thủy Tú có đầy đủ các tiện ích phong phú gồm các hạng mục hạ tầng cơ sở, đất nền liền kề, biệt thự song lập, đơn lập, khu thương mại, các công trình vui chơi giải trí, công viên cây xanh và đặc biệt là những tiện ích bên trong khu đô thị như trường học, chợ...  Chính vì vậy, dự án được các tổ chức tài chính có uy tín tham gia tài trợ.

 

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhận xét, Dự án KĐTST Quan Nam - Thủy Tú có vị trí hết sức thuận lợi (chỉ cách sân bay 15 phút đi ô tô và cách vịnh biển Đà Nẵng vài trăm mét). Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần đáng kể trong việc kiến tạo môi trường sống văn minh của TP. Đà Nẵng.

Được biết, Công ty S.O.M của Mỹ sẽ đảm nhận thiết kế cho KĐTST Quan Nam - Thủy Tú. S.OM. là một trong những công ty hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực quy hoạch các thành phố, khu đô thị, với hơn 15.000 công trình tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, S.O.M đã thực hiện quy hoạch tổng thể cho Khu đô thị Nam Sài Gòn, gồm cả Phú Mỹ Hưng, thiết kế cho FPT City Đà Nẵng. Theo các chuyên gia, việc S.O.M tham gia thiết kế quy hoạch tổng thể KĐTST Quan Nam - Thủy Tú sẽ góp phần đáng kể làm cho Quan Nam - Thủy Tú đạt đến sự kết hợp hài hòa lý tưởng giữa cây xanh, ốc đảo, sông nước và kiến trúc đô thị với thiết kế hiện đại tạo nên không gian đa mục đích sử dụng, phù hợp với nhu cầu và thói quen sinh hoạt của người Á châu.

 

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết: “Hiện chúng tôi đang tập trung toàn bộ nguồn lực và phương tiện để san lấp mặt bằng cho dự án, đồng thời chọn đơn vị thiết kế có nhiều kinh nghiệm để tư vấn và thiết kế tạo nên một khu đô thị sang trọng, hiện đại và tiện nghi bậc nhất tại TP. Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ và dự kiến, sẽ khởi công dự án vào tháng 11 tới. Sau khi hoàn thành, chúng tôi cam kết sẽ cung cấp một môi trường sống đẳng cấp với không gian của cây xanh, sông nước và xây dựng một môi trường làm việc cho khu vực Tây Bắc TP. Đà Nẵng đúng theo định hướng phát triển”.

 

Được thành lập vào năm 2004, Trung Nam Group là một tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm các lĩnh vực năng lượng, bất động sản, khai khoáng, xây dựng và cơ điện lạnh, trong đó thủy điện và bất động sản là 2 lĩnh vực có thế mạnh đặc biệt. Về thủy điện, Trung Nam Group đang xây dựng Dự án Thủy điện Đồng Nai 2 (có công suất lắp máy 70 MW) và Dự án Thủy điện Krông Nô 2 và 3 (công suất 46 MW). Về đầu tư bất động sản, Trung Nam Group hiện đang hợp tác triển khai Dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt, Khu đô thị Nam Hồ và công trình tòa nhà Viễn Đông Meridian 48 tầng tại Đà Nẵng - công trình cao nhất miền Trung.

 

Hiện Trung Nam Group đang điều hành hơn 10 công ty thành viên ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2009, Trung Nam Group đã quyết định thành lập Công ty cổ phần Trung Nam Đà Nẵng, có trụ sở tại TP. Đà Nẵng để thực hiện Dự án KĐTST Quan Nam – Thủy Tú. Cho đến thời điểm này, Công ty đã hoàn tất mọi thủ tục, hồ sơ liên quan đến công trình, quyết tâm xây dựng thành công dự án, góp phần đưa KĐTST Quan Nam – Thủy Tú trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ quy hoạch TP. Đà Nẵng.

Ngắc ngoải thị trường căn hộ cao cấp TP.HCM

Email In

Tăng Triển

Nguồn cung căn hộ cao cấp được chào bán nhiều, nhưng vắng bóng người mua. Ảnh: Đức Thanh
 Sau một thời gian dài đóng vai trò là dòng sản phẩm chủ lực của thị trường bất động sản (BĐS), hiện tại, phân khúc căn hộ cao cấp tại TP.HCM bị đóng băng về giao dịch.
 
Các dự án căn hộ cao cấp tại TP.HCM, như Saigon Pearl, The Vista, Estella, Blooming Park, Phú Hoàng Anh, Hoàng Anh Riverview..., từng nổi đình nổi đám một thời, vì để có được căn hộ tại đây, khách hàng phải chen lấn xếp hàng hoặc mua lại với số tiền chênh lệch hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của quá khứ, còn hiện tại, cũng với những cái tên này, chỉ cần tìm kiếm trên Internet hoặc liên hệ với các sàn giao dịch BĐS, thì muốn mua bao nhiêu cũng có hàng. Nghịch lý là, dù nguồn cung được rao bán nhiều, nhưng khách hàng quan tâm đến phân khúc này lại rất ít.

 

Ông Trần Văn Hải, Trưởng phòng Giao dịch BĐS Vinaland Phú Mỹ Hưng cho biết, thời gian qua, văn phòng giao dịch của ông đã nhận được khá nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp của khách hàng ký gửi. Tuy nhiên, 3 tháng qua, chưa có sản phẩm căn hộ cao cấp nào giao dịch thành công. “Không ít nhà đầu tư đã mua sản phẩm trước đây với giá gốc của chủ đầu tư, giờ chấp nhận bán lại với mức giá lỗ một vài trăm triệu đồng, nhưng vẫn không bán được. Cái khó của việc bán căn hộ cao cấp lúc này là không có khách hàng, mà đã không có khách hàng thì đâu có cơ hội để ngã giá, nên dù bán lỗ vẫn không bán được”, ông Hải nói.

Theo ông Nguyễn Minh Sương, Giám đốc Công ty BĐS Đại Nam (quận 2, TP.HCM), đa phần khách hàng mua sản phẩm của các dự án cao cấp trước đây là nhà đầu tư “lướt sóng”. Do vậy, khi thị trường căn hộ cao cấp đóng băng, không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ đã “mắc cạn”. Thông thường, khi dự án được tung ra thị trường (với mức giá từ 4 đến 5 tỷ đồng/căn), khách hàng chỉ cần đóng đợt đầu khoảng 30%, sau đó đóng tiền theo tiến độ. Những người trường vốn có thể cố “nuôi” căn hộ, nhưng các nhà đầu tư không có khả năng tài chính thì “méo mặt” vì không bán được hàng.

Không chỉ các nhà đầu tư, mà ngay cả các chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp cũng “đau đầu” vì thị trường đóng băng. Để bán được sản phẩm, nhiều chủ đầu tư đã phải liên tục giảm giá, nhưng vẫn không tìm được khách hàng. Đơn cử, một dự án có quy mô đầu tư lên đến 5.000 tỷ đồng ở Khu Nam Sài Gòn, trong kế hoạch ban đầu, mức giá chào bán sẽ từ 2.600 USD đến 2.800 USD/m2, nhưng hiện tại, dự án này được chào bán với giá từ 1.700 USD đến 2.000 USD/m2, mà vẫn không bán được hàng. Tiến độ đầu tư dự án không thể dừng lại, tiền vay ngân hàng khó khăn, trong khi sản phẩm không bán được, khiến chủ đầu tư này gặp nhiều khó khăn.

Lý giải về nguyên nhân thị thường căn hộ cao cấp gặp khó, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland cho rằng, lượng tiền đổ vào BĐS không nhiều, do nền kinh tế còn chưa thực sự ra khỏi khó khăn, trong khi tín dụng BĐS được thắt chặt, nhiều người mua BĐS lúc này có tâm lý để dành, nên chuộng đất hơn. Ngoài ra, nguồn cung lớn, khiến thị trường “bội thực”.

Còn theo ông Đinh Quốc Lực, Giám kinh doanh Công ty BĐS Hoàng Linh, nguyên nhân trước hết là do xu hướng chung của toàn thị trường. Bên cạnh đó, mặc dù đã giảm, song giá căn hộ cao cấp hiện nay vẫn khá cao, vượt khả năng của phần lớn những người có nhu cầu mua để ở. “Với mức giá từ 1.300 USD đến 2.000 USD/m2, tính ra mỗi căn hộ có giá 3 - 4 tỷ đồng, nên rất ít người có khả năng mua. Trong khi đó, những người có khả năng về tài chính lại có xu hướng đầu tư vào kênh khác”, ông Lực nhận định.

Bà Rịa - Vũng Tàu trong cuộc thanh lọc dự án đầu tư

Email In

Ngô Ngãi

Phần lớn các dự án nằm dọc theo con đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu mới san lấp mặt bằng rồi để đó. Ảnh: Đức Tiến

 

Có 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị rút giấy phép đầu tư trong gần 8 tháng qua ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

Xóa sổ nhiều dự án

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển AJ Vietstar, 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Theo kế hoạch ban đầu, công ty này sẽ thực hiện dự án The AJ Vietstar Mixed-Use Complex Project với tổng vốn đầu tư trị giá 200 triệu USD tại cửa ngõ TP Vũng Tàu.

 

Không như những chủ đầu tư khác tìm cách trì hoãn hoặc nại ra nhiều lý do để dây dưa, chính chủ đầu tư của dự án đã “dũng cảm” nộp văn bản xin rút lui lên UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bà Lê Kim Hương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, được cấp phép từ cuối tháng 1/2009, tính đến thời điểm này dự án của AJ Vietstar chưa phải nằm trong diện chậm triển khai. Nhưng chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc đã “tự thú” không đủ năng lực tài chính nên xin thoái lui.

Ngoài dự án của AJ Vietstar, trong gần 8 tháng qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã chấm dứt hoạt động trước thời hạn với 5 dự án FDI khác có tổng vốn đầu tư 19,2 triệu USD. Đó là dự án Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Ajung (300.000 USD), Công ty TNHH V-Can (500.000 USD); Công ty Ngọc trai Côn Đảo (500.000 USD); Công ty TNHH Imac Việt Nam (15,7 triệu USD), và Công ty TNHH Maxco (2,2 triệu USD). Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, đa phần những dự án này đều rơi vào tình trạng chậm triển khai hoặc đã đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả.

Nhưng số dự án đang nằm trong “tầm ngắm” bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cũng không phải chỉ dừng ở đó. Bà Lê Kim Hương cho biết, qua rà soát các dự án FDI bên ngoài khu công nghiệp phát hiện ra 37 dự án FDI chưa triển khai xây dựng, với tổng vốn đầu tư 9,9 tỷ USD, diện tích chiếm đất là 2.116 ha. Trong số này, 23 dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, 14 dự án đã xong thủ tục đất đai. Nhưng ngay trong 14 dự án đã có mặt bằng sạch này lại có tới 6 dự án đang “giậm chân tại chỗ” do chủ đầu tư bế tắc về vốn.

Đau đầu với bài toán giải ngân

Trong gần 8 tháng đầu năm 2010, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 35% so với kế hoạch đặt ra) với tổng số vốn đăng ký là 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, với thực tế triển khai của hàng loạt dự án như nói trên thì vấn đề nan giải nhất hiện nay chính là giải ngân vốn thực hiện các dự án đã được cấp phép.

 Trong 7 tháng qua, mới chỉ có 620 triệu USD được giải ngân tại các dự án FDI, chỉ bằng khoảng 57% kế hoạch năm nhưng lại tập trung vào một số dự án có quy mô lớn như các dự án Thép Posco, dự án Cảng Quốc tế SP-PSA, dự án Cảng Quốc tế Cái Mép, dự án Cảng Quốc tế Sài Gòn Việt Nam, dự án Cảng Tân Cảng – Cái Mép. Ở những dự án vừa và nhỏ, việc giải ngân vốn thực hiện vẫn rất nhỏ giọt.

Xét về tổng thể, vốn giải ngân của các dự án FDI tại Bà Rịa-Vũng Tàu mới đạt khoảng 5 tỷ USD, chiếm 18,4% so với tổng vốn đầu tư đăng ký tới thời điểm này là 27,1 tỷ USD cũng cho thấy sự nan giải của việc hiện thực hóa dòng vốn FDI. 

Bà Hương cho hay, trong năm 2008, 2009 và 7 tháng đầu năm 2010, có nhiều dự án quy mô vốn đầu tư lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị các thủ tục đất đai và xây dựng nên chưa có vốn thực hiện.

Trong số này có các dự án Khu du lịch Saigon Atlantis Hotel, Khu công viên thế giới diệu kỳ, Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Dragon Sea, Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Thép China Steel, Thép Posco SS – Vina, Cảng Cái Mép Gemadept, Cảng tổng hợp Mỹ Xuân A2, Khu đô thị mới Tóc Tiên…

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thì lại không dễ. Ngoài những khó khăn xuất phát từ chủ đầu tư như chưa huy động đủ vốn, thì vấn đề giải phóng mặt bằng cho các dự án FDI từ phía địa phương vẫn bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, hạn chế luôn việc chuyển vốn đầu tư từ đăng ký sang thực hiện. “Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế, tỉnh đã vận động các nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất để tạo nguồn phục vụ giải phóng mặt bằng, tuy nhiên một số nhà đầu tư có cam kết ứng trước nhưng chưa nộp kịp thời hoặc mới chỉ nộp một phần”, bà Lê Kim Hương giải thích thêm.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM