You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Thêm một Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại Hà Nội

Email In

Lễ khởi công xây dựng Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại lô đất CT1 và CT2, thuộc quỹ đất 20% Khu nhà ở Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội vừa diễn ra sáng nay, 19/8/2010.

 

Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được đầu tư với tổng vốn hơn 100 tỷ đồng, quy mô 2 tòa nhà 9 và 15 tầng; tổng diện tích đất 1.897m2, tổng diện tích sàn 11.304m2, dự kiến cung ứng ra thị trường 124 căn hộ có diện tích từ 60m2-70m2.

Tổng Công ty Viglacera trực tiếp là chủ đầu tư, giao cho Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera tổ chức và quản lý thực hiện Dự án. Đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng ViglaceraLand.

 

Đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư, Viglacera đã huy động các đơn vị thành viên thực hiện từ khâu thiết kế, tư vấn đến thi công, đồng thời với việc sử dụng bộ sản phẩm vật liệu xây dựng dành cho nhà ở thu nhập do Viglacera cung cấp. Dự án có mức giá dự kiến 10 triệu đồng/m2, được coi là phù hợp với khả năng tài chính của các đối tượng có thu nhập thấp.

 

Với việc tận dụng tối đa lợi thế của doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và bước đầu khẳng định thành công trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, Tổng Công ty Viglacera cam kết cung cấp ra thị trường nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp với chất lượng tốt, đảm bảo các yêu cầu về thông số kỹ thuật, mỹ quan đô thị.

 

Dự án sẽ hoàn thành sau 18 tháng thi công, góp phần thúc  đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu cải thiện chỗ ở của các đối tượng thu nhập thấp, tạo động lực phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Trước đó, ngày 31/7/2010, Tổng công ty Viglacera đã khởi công xây dựng Dự án 1000 căn hộ giá rẻ tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội với tổng mức  đầu tư hơn 600 tỷ đồng.

Dự án đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn - Bãi Vọt

Email In

Anh Minh

Việc sớm triển khai xây dựng Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn – Bãi Vọt sẽ tiếp thêm động lực thu hút đầu tư cho khu vực Bắc Trung Bộ. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), ông Ngô Thịnh Đức vừa cho biết, tiến độ lập Dự án Xây dựng đường cao tốc đoạn Nghi Sơn – Bãi Vọt (đoạn tuyến thứ tư của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông) đang được Bộ GTVT đẩy nhanh để làm cơ sở thu hút vốn đầu tư.

 

Theo Báo cáo đầu kỳ Dự án xây dựng Đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập vừa được Bộ GTVT thông qua, đã có thể hình dung được những thông số cơ bản của tuyến đường cao tốc này.

 

Theo đó, điểm đầu tuyến của Dự án sẽ trùng với điểm cuối của đoạn đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn (Thanh Hóa) tại phía Bắc của hầm Mông Gà, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa); điểm cuối tuyến sẽ giao với Quốc lộ 8A tại khoảng Km 5+750 QL8A, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Tổng chiều dài tuyến đường là 94,1 km, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h. Các đoạn khó khăn do cắt qua địa hình núi cao sẽ xây dựng công trình hầm. Quy mô tuyến đường sẽ từ 4 đến 6 làn xe.

 

Hiện tại, đơn vị tư vấn đưa ra hai phương án đầu tư.

Phương án thứ nhất là đầu tư hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe; phương án 2 đầu tư giai đoạn I đường cao tốc 4 làn xe, công trình cầu đặc biệt lớn, hầm nghiên cứu xây dựng ngay 6 làn xe. Ước tính, kinh phí để đầu tư tuyến cao tốc này sẽ khoảng hơn 19.850 tỷ đồng.

 

Ông Cao Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong tuần này, Bộ GTVT sẽ tổ chức đoàn khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh để có cơ sở lựa chọn phương án đầu tư.

 

“Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) là hết sức cấp thiết, bởi đoạn tuyến này nằm trong quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã được Chính phủ phê duyệt và là động lực quan trọng cho cả vùng kinh tế Bắc Trung Bộ. Vấn đề quan trọng nhất quyết định đến việc triển khai dự án sớm hay muộn phụ thuộc chủ yếu vào việc tìm vốn đầu tư”, ông Đức cho biết.

 

Theo ông Hồ Viết Khang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để có thể nhanh chóng triển khai đầu tư dự án trên thì quan trọng nhất lúc này là Bộ GTVT phải xác định được hình thức đầu tư. Được biết, Bộ GTVT hướng tới việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho dự án này và đương nhiên, hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế sẽ được áp dụng để triển khai dự án trong tương lai.

 

Cũng theo ông Khang, hiện Việt Nam có 3 nhà tài trợ lớn có khả năng tham gia đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc tại Việt Nam là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nếu dự án khả thi và hoàn tất thủ tục sớm, thì việc tìm vốn triển khai không quá khó khăn, bởi WB và ADB có thể dành nhiều tỷ USD trong kế hoạch những năm tới đây để hỗ trợ vốn cho Việt Nam, trong đó ưu tiên đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc.

 

Trong khi chờ phản hồi của ADB, vào đầu tháng 8/2010, Bộ GTVT đã văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được sử dụng vốn vay WB giai đoạn 2011 – 2014.

"Không thể tăng giá điện chỉ để có đủ tiền đầu tư"

Email In

Trao đổi với PV bên lề Hội thảo về thị trường phát điện cạnh tranh, ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho rằng, giá điện không thể nào tăng để đảm bảo hết cho việc đầu tư.

 

Theo ông Thắng, giá điện phù hợp chỉ nên để ở mức độ đảm bảo cho tài chính của doanh nghiệp hoạt động tốt, còn đầu tư phát triển ngành thì cần phải có vốn vay.

 

Thưa ông, vừa qua Hiệp hội Năng lượng có đề xuất tăng giá điện lên 8 cent, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ông Phạm Mạnh Thắng: Đấy là một trong những ý kiến mà ai cũng có thể đề xuất. Tuy nhiên, trong quy định của Luật Điện lực và quy định của Chính phủ thì chỉ có một cơ quan là Bộ Công Thương mới có chức năng và trách nhiệm đề xuất chuyện này và hàng năm cơ quan đó có trách nhiệm lập kế hoạch điều chỉnh giá điện.

Còn Hiệp hội này, hiệp hội kia phát biểu thì đấy là trên quan điểm lợi ích của các thành viên trong hiệp hội đó, nhưng nó không đại diện cho lợi ích của thành phần khác.

Ví dụ, Hiệp hội Xây dựng có thể đề xuất trên quan điểm của các nhà đầu tư xây dựng, nhưng không phải là lợi ích của khách hàng sử dụng điện. Nếu dựa trên quyền lợi của khách hàng sử dụng điện thì họ đòi hỏi phải giảm giá đi chứ không phải tăng giá lên.

Thế nhưng theo tôi, mức giá cũng cần phải tính thế nào để vừa đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng đồng thời đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư và cung ứng điện.

 

Tuy nhiên đề xuất đó dựa trên quan điểm là tăng giá để đầu tư cho ngành, khắc phục tình trạng cắt điện liên miên như thời gian vừa qua?

Ông Phạm Mạnh Thắng: Đầu tư vào ngành điện với tốc độ như hiện nay thì không có giá điện nào đáp ứng nổi, người ta chỉ tăng đến một mức độ nhất định nào đó để cho mức độ tài chính của người ta tốt và là cơ sở để người ta đi vay đầu tư tiếp.

Hiện Cục Điều tiết điện lực đang xây dựng giá điện tương tự như giá xăng dầu, ví dụ trong một thời gian qui định, nếu chi phí đầu vào tăng nhưng chưa đạt mức phải điều chỉnh thì chưa nên điều chỉnh để đảm bảo ổn định giá và nếu mức tăng đó tiếp tục kéo dài trong 3 - 6 tháng mà chưa đủ mức cần thiết thì có thể tính toán lại trong giai đoạn sau.

Về cơ bản thì giá điện phải thay đổi, bởi khi hoạt động theo cơ chế thị trường thì giá từng giờ và giá hàng ngày cũng bị thay đổi, còn giá truyền tải, phân phối thì tùy thuộc vào cách thức do ta điều tiết, có thể thay đổi một năm một lần hoặc vài ba năm một lần tùy mức độ.

Nhưng khi tính giá đầu vào để hình thành giá điện thì hiện nay khâu phát điện chiếm 70% trong giá thành điện mà lại thay đổi lớn nhất thì rõ ràng là giá đầu ra cũng phải điều chỉnh để cho kịp thời thu hồi vốn, nếu không các đơn vị kinh doanh sẽ bị lỗ.

 

Khi xây dựng thị trường điện cạnh tranh thì việc cắt điện gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt sẽ bị xử lý thế nào?

Ông Phạm Mạnh Thắng: Cái đó không phải là vấn đề của thị trường, mà của hệ thống quy định để mà vận hành của ngành điện chứ không do thị trường quyết định được.

 

Vậy khi phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, các công ty phát điện hiện nay sẽ hoạt động thế nào thưa ông?

Ông Phạm Mạnh Thắng: Giống như thị trường chứng khoán, nếu công ty nào chào bán cao hơn sẽ bị loại và các công ty phát điện cũng vậy, thị trường chỉ chấp nhận mua với mức giá phù hợp và Cục Điều tiết điện lực sẽ giám sát việc mua bán đó.

Xin cảm ơn ông.

Theo Đức Duy - Vietnam+

Đô thị mới Hà Nội: Phổ biến... sai quy hoạch

Email In
Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất báo cáo kết quả thanh tra các khu đô thị mới, dự án nhà ở tại trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo kết luận của cơ quan này, tình trạng vi phạm quy hoạch, lập dự án ôm đất, không chấp hành các quy chuẩn xây dựng, tuỳ tiện xây thêm biệt thự, căn hộ... đang diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố.

Một số điển hình được nêu là dự án nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì có diện tích 57.405 m2 do Công ty Xây lắp Thương mại làm chủ đầu tư; dự án công trình dịch vụ thương mại do Công ty Cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí  làm chủ đầu tư; dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê 250.000 m2 đất do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư.

Hàng trăm hộ dân tại tòa nhà The Manor vẫn chưa có sổ đỏ vì những vi phạm của chủ đầu tư.

Kết quả thanh tra theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 cho thấy, các ô đất nêu trên được quy hoạch là hồ chứa nước, cây xanh, công viên.

Đối với dự án xây dựng khách sạn, văn phòng 1.465 m2 đất do Công ty Cổ phần Sông Hồng làm chủ đầu tư, quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 của huyện Từ Liêm cho thấy khu đất này được quy hoạch là đất ở.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, không chỉ vi phạm về quy hoạch, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 một số dự án có chỉ tiêu sử dụng đất không phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt nam. Ví dụ như dự án khách sạn văn phòng cho thuê do Công ty Cổ phần Hà Sơn làm chủ đầu tư.

Theo quy chuẩn, mật độ xây dựng tối đa 26%, hệ số sử dụng đất tối đa 2,86 lần nhưng lại được phê duyệt mật độ xây dựng 29,8%, hệ số sử dụng đất 3,1 lần.

Dự án trụ sở giao dịch và giới thiệu sản phẩm do Công ty Sản xuất và Dịch vụ xuất khẩu Nguyễn Hoàng làm chủ đầu tư, theo quy chuẩn thì mật độ xây dựng tối đa 33%, hệ số sử dụng đất tối đa 2,54 lần nhưng lại được phê duyệt mật độ xây dựng 40%, hệ số sử dụng đất 3,36 lần.

Dự án văn phòng, khách sạn cho thuê do Công ty Cổ phần Sông Hồng làm chủ đầu tư, theo quy chuẩn thì mật độ xây dựng tối đa 28%, hệ số sử dụng đất 2,8 lần nhưng lại được phê duyệt mật độ xây dựng lên tới 37%, hệ số sử dụng đất 3,7 lần...

Thi công, chuyển nhượng nhiều vi phạm

Kết quả thanh tra việc chấp hành thiết kế, giấy phép xây dựng cho thấy, tình trạng vi phạm diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi lên là việc xây vượt số tầng, căn hộ so với giấy phép được cấp.

Điển hình cho các vi phạm kể trên là dự án khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, đất xây dựng nhà cao tầng gồm 7 ô, nhưng khi quy hoạch chi tiết 1/500 thì đất xây nhà cao tầng đã tăng thêm thành 9 ô, làm cho diện tích đất xây dựng tăng thêm 5.071m2, diện tích sàn tăng thêm 56.395m2, phá vỡ quy chuẩn xây dựng.

Riêng đối với khu thấp tầng và khu xây dựng công trình hỗn hợp diện tích đất xây dựng tăng 6.708 m2, diện tích sàn xây dựng tăng 111.312 m2, làm cho hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng tăng so với quy hoạch 1/2.000 đã được UBND thành phố phê duyệt.

Kết quả thanh tra dự án khu nhà ở để bán (diện tích 9.503 m2) tại xã Mỹ Đình do Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, cho thấy, theo quy hoạch, đây sẽ là những khu chung cư 5 tầng và 6 tầng nhưng nay đã bị biến thành 12 lô nhà liền kề.

Tại dự án khu nhà ở để bán tại xã Mễ Trì (diện tích 75.761 m2) đất do Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện, chủ đầu tư đã biến tầng kỹ thuật áp mái thành nhà ở tương đương với 1.900 m2 sàn xây dựng.

Trong khi đó, tại dự án xây dựng nhà ở để bán tại xã Mỹ Đình diện tích 50.112m2 do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư, tòa tháp cao tầng đã được thi công cao hơn so với giấy phép xây dựng 7,52m; nhà vườn cao 3 tầng thì được xây thành 4 tầng...

Ngoài việc vi phạm về quy hoạch, thiết kế, kết quả thanh tra cho thấy, tình trạng chuyển nhượng trái phép cũng diễn ra phổ biến tại nhiều dự án trên địa bàn thành phố.

Đơn cử như dự án khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì được giao cho Tổng Công ty Sông Đà và doanh nghiệp này đã giao cho đơn vị thành viên là Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) trực tiếp quản lý thực hiện và kinh doanh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, Sudico đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Bitexco để cùng góp vốn đầu tư và phân chia đất đai, kể cả đất xây dựng công trình hỗn hợp và đất công cộng nhưng chưa được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội.

Hậu quả của những vi phạm trên là hàng trăm hộ dân sống tại tòa nhà The Manor đến vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sau nhiều năm sinh sống tại đây.

Ngoài ra. cơ quan thanh tra còn phát hiện, Công ty Sudico đã tự ý chuyển nhượng khi chưa có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với 6 ô đất trong dự án với diện tích lên đến 38.372 m2.

Riêng ô đất CC2 thuộc khu đô thị nói trên có diện tích là 4.783m2, theo quy hoạch là đất công cộng cấp thành phố. Tuy nhiên, chủ đầu tư cùng nhiều sở, ngành đã tham mưu để UBND thành phố giao cho Học viên Âm nhạc Quốc gia xây trụ sở là trái với quy hoạch được duyệt.

Theo Bảo Anh - VnEconomy

Bộ Xây dựng vừa đề nghị UBND TP Hà Nội lưu ý một số vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa trước khi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Khu tập thể Thành Công, Q.Ba Đình

Email In

Bộ Xây dựng vừa đề nghị UBND TP Hà Nội lưu ý một số vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa trước khi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Khu tập thể Thành Công, Q.Ba Đình. Theo đó, việc bố trí, hợp khối nhà ở của khu vực sau khi điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc đã nêu tại Thông báo số 202/TB-VPCP và hạn chế tối đa việc gia tăng dân số hiện có của khu vực; không gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt lưu ý vấn đề giao thông, bãi đỗ xe tại khu vực này. Đối với quỹ đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội: trường học, trường mẫu giáo cần bảo đảm về diện tích, tuân thủ Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM