You are here: Tin tức
 
 

Tin tức - Sự kiện

Tổng Công ty XDCTGT 5 viếng các nghĩa trang Liệt sỹ TNXP và tặng quà các gia đình cựu TNXP nhân dịp năm mới Nhâm Thìn 2012

Email In
(05/01/2012)

Nhân dịp năm mới và đón Xuân Nhâm Thìn 2012, sáng ngày 03/01/2012 Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc, Công đoàn, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đơn vị thành viên Tổng Công ty XDCTGT 5 (Cienco 5) do Anh hùng lao động Thân Đức Nam – Đại biểu Quốc hội khóa XIII - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng Thành viên - Tổng Giám đốc Tổng Công ty dẫn đầu đã đến dâng hương kính viếng hương hồn liệt sỹ TNXP tại 3 nghĩa trang Ban Xây dựng 67 – đơn vị tiền thân của Cienco 5 (nghĩa trang Tân Ấp, Thọ Lộc, Vạn Ninh).
Đoàn cũng đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm 10 Cô gái Ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Liệt sĩ TNXP toàn quốc (tỉnh Hà Tĩnh) và nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Cục Công trình 1 – Tổng Công ty XDCTGT 4.

Cùng với việc tổ chức dâng hương viếng các Anh hùng liệt sỹ TNXP Ban Xây Dựng 67, Tổng Công ty XDCTGT 5 đã trao 500 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho các cựu TNXP và đồng bào có hoàn cảnh khó khăn thuộc các huyện: Tuyên Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh - Quảng Bình và các cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh. Đây là hoạt động thường niên của Lãnh đạo Tổng Công ty XDCTGT 5, là nghĩa cử sâu nặng đối với những người đã hy sinh, là sự chia sẻ tận tình đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Thân Đức Nam cho biết: “Truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam không cho phép hậu thế lãng quên công đức tiền nhân. Chuyến về nguồn lần này là dịp để CBCNV-LĐ Tổng Công ty XDCTGT 5 hôm nay hiểu rõ hơn về truyền thống cách mạng cũng như sự hy sinh của các bậc cha anh. Từ đó cố gắng rèn luyện để xứng đáng với những gì cha anh chúng ta đã để lại”.

Theo cienco5.vn

Kinh doanh địa ốc đi vào thực chất

Email In

Quang Hưng

(baodautu.vn) Cơn giông kéo dài trên thị trường địa ốc khiến những toan tính “liệu cơm, gắp mắm” càng trở nên có giá để đưa dự án về đích đúng hẹn.Trải nghiệm rõ ràng nhất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong năm 2011 là, những dự án “bánh vẽ” luôn được giới đầu cơ săn đón và làm mưa làm gió trước đây nay đã không còn chỗ đứng. Khách hàng ngày càng thực tế hơn, khi bỏ đồng tiền vào các dự án bất động sản với yêu cầu lớn nhất là, chất lượng đảm bảo và tiến độ dự án.


Hiểu được thực tế này, nhà đầu tư sẽ không còn đồn đoán vì đâu và bằng cách nào để Vincom (nay là một phần của Vingroup) ngay từ đầu năm đã bán

Tạo lập và chia sẻ với khách hàng những giá trị gia tăng là phương châm của nhiều chủ đầu tư

toàn bộ cổ phần và rút khỏi Dự án Sun City số 233B - 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Những ngày cuối cùng của năm 2011, Vincom đã quyết định bán nốt toà Tháp B của Dự án Vincom Center (Bà Triệu, Hà Nội) để lấy vốn đẩy mạnh các dự án đang thực hiện dang dở. Đổi lại, trong hoàn cảnh thị trường khó khăn, phần lớn nhà đầu tư cá nhân, khách mua nhà mất niềm tin vào các dự án “bánh vẽ”, thì các dự án của Vincom vẫn có tốc độ bán hàng tốt, đặc biệt là khách mua nhà để ở và đầu tư dài hạn, uy tín của doanh nghiệp tăng lên và theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, thì “đó là cái được về lâu dài”.


Tạo lập và chia sẻ với khách hàng những giá trị gia tăng từ dự án bất động sản đang là phương châm sống còn của nhiều chủ đầu tư trong thời buổi thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay. Song song với việc triển khai xây dựng các khu nhà ở để bán, để làm hài lòng khách mua nhà, Vincom cũng bỏ tiền đầu tư cho các công trình hạ tầng xã hội như Bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC, hệ thống Trường Quốc tế Anh - British International School và Trường mầm non Maple Bear…

Theo ông Phạm Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Savico Hà Nội, hiểu và chia sẻ lợi ích với khách hàng chính là bài học thành công của dự án Trung tâm thương mại Savico Megamall. Trong khi nhiều khu thương mại ở trung tâm TP. Hà Nội vẫn có tỷ lệ trống đáng kể, thì khu Trung tâm thương mại Savico Megamall, mới khai trương cuối tháng 12/2011 tại quận Long Biên lại đạt được lượng khách thuê đáng kể với hàng loạt tên tuổi lớn.


Một câu chuyện bán hàng thần kỳ khác đã xảy ra tại Dự án Oceanviews Apartment Hotel (Đà Nẵng). Đây là dự án do Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long (Taseco) làm chủ đầu tư. Chỉ sau 2 đợt mở bán tại Hà Nội và TP.HCM cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2011, hơn 60% số căn hộ của dự án đã có chủ (chủ đầu tư giữ lại 30% số căn hộ để kinh doanh). Đây là sự thành công mà theo ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Taseco Thăng Long, là “ngoài dự kiến” của chính chủ đầu tư.

Chương trình hấp dẫn khách hàng khi chỉ với số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng, họ có thể sở hữu một căn hộ - khách sạn hướng biển tuyệt đẹp với dịch vụ: bể bơi, spa, café kết hợp cùng không gian vườn đẳng cấp tại Đà Nẵng. Ngay sau khi sở hữu căn hộ, khách hàng có thể tham gia chương trình chia sẻ lợi nhuận cùng chủ đầu tư với tỷ lệ phân chia là khách hàng 70% - đơn vị quản lý 30%. Nếu ngại rắc rối, khách hàng cho chủ đầu tư thuê lại căn hộ của mình và chỉ với căn hộ có diện tích 45 m2, họ có thể thu lại số tiền tối thiểu 10 - 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo ông Thanh, điều quan trọng nữa để dự án có sức thuyết phục khách hàng là dự án “thật” với tiến độ xây dựng nhanh chóng!

Nhà đầu tư Hàn ghi điểm trên thị trường Việt

Email In

Bá Thư

(baodautu.vn) Không chỉ giữ vị trí đầu bảng xếp hạng các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc còn giành được niềm tin của thị trường Việt trong hai thập kỷ qua bằng những thương hiệu hàng đầu.

Hiện có nhiều tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đang có mặt đầu tư tại Việt Nam, tiêu biểu như Daewoo, Hyundai, LG, SAMSUNG, SK hay POSCO, Doosan. Hơn 3.000 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt  Nam còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 23,65 tỷ USD cùng vị trí dẫn đầu trong số nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam đã minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư Hàn Quốc, cũng như sự tin tưởng của nhà đầu tư Hàn Quốc đối với thị trường Việt Nam.


Nhà đầu tư Hàn Quốc có tiềm lực và quyết tâm thực hiện các dự án lớn như Khu đô thị Tây Hồ Tây

Các ngành hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc là công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản; xây dựng; vận tải, kho bãi. Nhà đầu tư Hàn Quốc cũng có mặt tại những địa bàn kinh tế sôi động nhất của Việt Nam như Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. HCM, Đồng Nai, với số lượng dự án và vốn đầu tư lớn.

 

Sự gắn bó của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam không dừng lại ở con số những dự án hay lượng vốn lớn, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc còn nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động cũng như bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Tháng 10/2011 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam hợp tác với Bộ Kinh tế tri thức Hàn Quốc lần đầu tiên tổ chức lễ trao Giải thưởng Trách nhiệm xã hội dành cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã được ghi nhận như lãnh đạo Công ty Auntex, Nano Tech; các công ty: Chang Shin Việt Nam; Doosan Vina; Posco E&C; Hansoll Vina; Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (có vốn Hàn Quốc).


Đại diện Ban tổ chức, ông Sun Seog Ki, Tổng giám đốc Văn phòng Xúc tiến thương mại Hàn Quốc tại Hà Nội, khẳng định, giải thưởng này thực sự là một khích lệ rất lớn cho tất cả các nhà đầu tư Hàn Quốc khi được ghi nhận và tôn vinh các nỗ lực của họ để phát triển xã hội Việt Nam, tạo động lực cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đẩy mạnh các hoạt động xã hội trong tương lai.


Một trong những thương hiệu lớn của thế giới và Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, không lâu sau khi Việt Nam mở cửa hội nhập là Daewoo. Công trình khách sạn Daewoo tại Hà Nội chính là công trình của nhà đầu tư nước ngoài có tầm vóc lớn đầu tiên, có ý nghĩa khơi thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đến nay, Daewoo vẫn là một trong những tên tuổi lớn của  thế giới cũng như Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.


Trên thực tế, ngay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều khó khăn, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam. Thậm chí, ngay trong lĩnh vực bất động sản đang khá trầm lắng, một số nhà đầu tư Hàn Quốc có tiềm lực và quyết tâm vẫn đang lặng lẽ đi “ngược dòng” thị trường, rốt ráo triển khai tiến độ dự án.


Theo Giấy phép đầu tư số 2542/GP, Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây do tổ hợp các công ty xây dựng Hàn Quốc làm chủ đầu tư với hơn 207 ha, thuộc địa bàn huyện Từ Liêm, quận Tây Hồ và quận Cầu Giấy. Năm 2010, UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho dự án, trong đó, Công ty Daewoo E&C là chủ đầu tư duy nhất của dự án. Nhận định về sự thay đổi này, ông Lee Kwon Sang- Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển T.H.T – đơn vị thực hiện dự án khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây cho biết, việc Daewoo E&C trở thành chủ đầu tư duy nhất của dự án một mặt cho thấy tiềm lực của chủ đầu tư, mặt khác cũng tạo thuận lợi cho việc điều hành và phát triển dự án khi công việc được thu về một mối.


Cũng theo ông Lee Kwon Sang, công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án đang tiến triển tốt. Sau 9 đợt chi trả cho 989 hộ, tổng kinh phí là 1.167 tỷ đồng, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 84,4 ha, đạt 72% diện tích giai đoạn 1. Chủ đầu tư và Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Hà Nội (đơn vị được UBND TP. Hà Nội giao giải phóng mặt bằng của dự án) cũng đang tích cực chuẩn bị hồ sơ và nguồn lực tài chính cho việc chi trả đợt 10, tiến tới hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, chuẩn bị cho lễ động thổ dự án thời gian tới.


Không ít băn khoăn đã được nêu lên về dự án này, bởi tính từ khi được cấp phép (tháng 1/2006), đến nay đã trải qua gần 6 năm, dự án vẫn chưa thể chính thức khởi công. Song theo giới chuyên gia am hiểu thị trường bất động sản, đây chính là điểm khác biệt của nhà đầu tư dự án này so với chủ đầu tư trong nước. Thay vì cấp tập làm những phần riêng rẽ có thể để tung hàng ra thị trường, nhằm thu hồi vốn, chủ đầu tư dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây vẫn triển khai giải phóng mặt bằng từng bước, nhằm có mặt bằng sạch để xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án một cách bài bản, cho dù thời gian để có hàng bán ra thị trường có thể kéo dài. Hơn nữa, việc kiên trì theo đuổi để đạt được từng bước tiến của dự án cũng cho thấy tiềm lực tài chính và quyết tâm thực sự của chủ đầu tư.


Tháng 12/2007, TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, với mục tiêu phát triển khu trung tâm Tây Hồ Tây thành khu vực chức năng trung tâm đô thị hiện đại, đồng bộ; một trung tâm tài chính ngân hàng và kinh doanh của cả khu vực Đông Nam Á, hiện thực hóa quy hoạch Thủ đô tầm nhìn tới năm 2050.

Theo quy hoạch, Dự án có 9,1 ha đất văn phòng; 15,4 ha đất phát triển khu phố tài chính; 21,6 ha khu trung tâm thương mại; 5,9 ha đất giáo dục; và chỉ 26,1 ha đất ở, chiếm 12,5% tổng diện tích đất Dự án.

Diện tích đất cây xanh, công viên, đường dạo và mặt nước của Dự án được chú trọng với quỹ đất lớn, tạo môi trường sống lý tưởng, hài hòa, xen kẽ trong không gian xanh cây xanh, hồ nước.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng một khu đô thị kiểu mẫu, đồng bộ, hiện đại, mang phong cách Hàn Quốc bên bờ hồ Tây – công trình biểu tượng cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc.

Giải pháp ổn định thị trường BĐS

Email In

 

Bộ Xây dựng vừa phối hợp, thống nhất với Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam phân tích, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường BĐSnăm 2011 và một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐStrong thời gian tới nhằm phát triển ổn định, có hiệu quả thị trường này, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục tăng nguồn cung cho thị trường

Mặc dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ giữa năm 2007, thị trường BĐS trước năm 2010 (tại khu vực TP.HCM trước năm 2009) vẫn phát triển tích cực, đáp ứng nhu cầu về cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ đô thị, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở của nhân dân, góp phần quan trọng bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Nhiều dự án nhà ở, KĐTM tiếp tục được triển khai tăng nguồn cung cho thị trường.

Báo cáo khẳng định, tình hình giao dịch BĐS kể cả thông qua hệ thống các sàn giao dịch BĐS (bán nhà ở của các DN kinh doanh BĐS) và giao dịch không thông qua sàn giao dịch BĐS (mua, bán nhà ở của người dân) đều chững lại trong năm 2011, đặc biệt là giao dịch trong quý III/2011 rất thấp. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với từng khoản mục tín dụng BĐScó sự tăng, giảm bất thường; tín dụng cho vay đầu tư xây dựng KCN, KĐT, đặc biệt là cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê (đầu cung) tăng cao tới 76,60%, trong khi cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở (đầu cầu) lại giảm nhiều tới 26,97%. Theo báo cáo của một số DN, lãi suất vay tín dụng BĐS trong năm 2010 dao động từ 15 - 17%/năm, năm 2011 có thời điểm đã tăng lên trên 20%/năm nhưng hầu như không ký được hợp đồng tín dụng mới, gây nhiều khó khăn cho DN, nhất là đối với các dự án dở dang. Tại thị trường TP.HCM giao dịch mua, bán nhà ở đóng băng, không có người mua do người dân không thể vay vốn ngân hàng, một phần do lãi suất quá cao, một phần do tâm lý chờ đợi (mất niềm tin) thị trường tiếp tục giảm giá. Tại thị trường Hà Nội, tình hình khả quan hơn, những dự án có vị trí tốt, giá bán hợp lý vẫn có giao dịch.

Sẽ tiến hành tái cơ cấu đầu tư

Bộ Xây dựng nhận định, những cơn sốt giá nhà ở một vài năm vừa qua, lợi nhuận trong kinh doanh BĐS cao đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường dẫn đến các DN đã đổ xô vào đầu tư phát triển BĐS, kể cả các DN không có kinh nghiệm và năng lực tài chính; dư nợ cho vay các dự án BĐS tăng nhanh; việc tập trung đầu tư quá lớn vào phân khúc BĐS cao cấp, việc cấp phép phát triển dự án tại các địa phương thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn tại những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đủ để phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu về nơi ở, đã tạo nên những khu nhà ở bỏ hoang, lãng phí đất đai, tiền của của xã hội. Tình trạng phát triển đô thị thiếu quy hoạch, kế hoạch, phát triển tự phát còn diễn ra phổ biến. Các dự án phân lô, huy động vốn tràn lan tạo nên nguồn cung ảo tăng vọt và nhiễu thông tin dự án, góp phần làm cho thị trường phát triển thiếu lành mạnh.

Chỉ tính riêng tại TP Hà Nội khi rà soát để lập Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, số lượng các đồ án, dự án đang triển khai hoặc đang trong giai đoạn quy hoạch là 785 đồ án, dự án với quy mô 59.078ha; sau khi rà soát, UBND TP Hà Nội đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai (đợt 1) là 240 đồ án, dự án với quy mô 9.502ha, trong đó có 150 đồ án, dự án đô thị và nhà ở với quy mô 5.125,8ha. Theo tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành (khu vực đô thị từ 200 - 250 người/ha) thì chỉ với 150 đồ án, dự án đô thị và nhà ở nói trên đã có thể đáp ứng nơi ở cho khoảng 1 - 1,3 triệu người (gần bằng 1/2 dân số đô thị của Hà Nội tại thời điểm tháng 4/2009 là 2,6 triệu người).

Bộ Xây dựng khẳng định, ở Việt Nam, thị trường BĐS hàng hóa còn nhỏ bé so với thị trường BĐS phi hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực nhà ở. Nhu cầu về BĐS, nhất là nhà ở lớn. Mặt khác, thị trường BĐSthứ cấp, chứng khoán hóa thị trường BĐSở nước ta hầu như chưa có; dư nợ tín dụng BĐSchiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ của toàn hệ thống tín dụng. Vì vậy, việc giao dịch nhà ở thương mại trầm lắng hiện nay cũng chỉ là tạm thời hoặc ở một số phân khúc thị trường nhất định, do đó nguy cơ "bong bóng" và đổ vỡ do "bong bóng" BĐSlà thấp. Tuy nhiên, giá BĐS giảm về gần giá trị thực cũng là tín hiệu tốt để các đối tượng tham gia thị trường tiến hành tái cơ cấu đầu tư, người có nhu cầu thực có khả năng tiếp cận hàng hóa phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của mình.

Kiểm soát hiệu quả dòng vốn

Bộ Xây dựng và NHNN Việt Nam nhận định, xu hướng phát triển của thị trường BĐS trong thời gian sắp tới, nếu tiếp tục một thời gian dài chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục giảm số tuyệt đối như hiện nay, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đóng băng. Do vậy, Bộ Xây dựng và NHNN Việt Nam thống nhất đề xuất kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS, với các biện pháp :

Việc giao dịch nhà ở thương mại trầm lắng hiện chỉ là tạm thời hoặc ở phân khúc thị trường nhất định, nguy cơ "bong bóng" và đổ vỡ do "bong bóng" BĐS là thấp.

Một là tiếp tục thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ giảm tốc độ và tỷ trọng tín dụng BĐS nhưng cần phải có lộ trình hợp lý, tránh giảm đột ngột, gây sốc cho thị trường. Điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng BĐS. Một số khoản mục phải giảm tỷ trọng, như: Vay xây dựng KĐT; vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường GPMB. Đối với một số khoản mục cần phải tăng tỷ trọng cho vay, như: Vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ SXKD, vay mua nhà để ở, vay để hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư. Cần sớm nghiên cứu thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS.

Hai là tăng cường công tác quản lý, kiểm soát bảo đảm thị trường BĐS, nhất là BĐS nhà ở phát triển cân đối giữa cung và cầu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng của các KĐTM. Tổ chức rà soát, kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, không có khả năng kết nối hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị; thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầu tư, của người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hoàn thiện nhà ở.

Ba là tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm (nhà ở cho công nhân KCN, nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn) bảo đảm an sinh xã hội.

Bốn là sớm giải quyết các vướng mắc về xác định giá đất, nộp thuế thu nhập cá nhân trong kinh doanh BĐS.

Năm là tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh BĐS. Các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường BĐS tại các cấp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục đầu tư; về huy động vốn và mua bán, chuyển nhượng của các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, KĐTM để quản lý tốt thị trường. Kiểm tra thường xuyên các sàn giao dịch BĐS, kịp thời phát hiện và uốn nắn các sai phạm về giao dịch, mua bán, thực hiện các dịch vụ trong kinh doanh BĐS. Kiên quyết xử lý những sàn giao dịch BĐS cố tình vi phạm pháp luật trong giao dịch và những hành vi gian dối, “làm giá” gây mất ổn định thị trường.

Bộ Xây dựng và NHNN Việt Nam cảnh báo có những nguy cơ mất khả năng thanh khoản cục bộ tại một số tổ chức tín dụng nếu những tổ chức tín dụng đó tài trợ cho các dự án thiếu tính khả thi, tài trợ các phân khúc BĐS cao cấp có tính thanh khoản thấp. Các tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng BĐS quá lớn trong tổng dư nợ tín dụng hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng thực chất là cho vay BĐS cũng có nguy cơ mất khả năng thành khoản. Đầu tư BĐS thông qua các Cty thành viên, khi thị trường trầm lắng kéo dài, DN không bán được sản phẩm thì nguy cơ mất vốn rất cao, gây nên sự bất ổn của hệ thống tài chính và nền kinh tế. Một số hiện tượng vỡ “tín dụng đen” có liên quan tới BĐS gần đây là những cảnh báo cần được xem xét.

Hơn 7600 tỷ đồng khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20

Email In

Theo Quyết định số 2525/QĐ-BGTVT, Bộ GTVT sẽ tiến hành khời công Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 nối tỉnh Đồng Nai đến Lâm đồng với tổng mức đầu tư dự kiến 7.648 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư thành phần I của dự án là 4.466 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Theo dự kiến ngày 23/12, Bộ GTVT sẽ khởi công dự án thành phần I (Km0 - Km123) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20 tại ngã ba Lộc Sơn – Tp Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 16/12, Thứ trưởng Trương Tấn Viên nhấn mạnh: “Đây là công trình hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng phục vụ công tác vận chuyển sản phẩm cho tổ hợp Bauxite Nhân Cơ và đáp ứng nhu cầu giao thông của các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và các địa phương trong vùng”.

Quốc lộ 20 đã xuống cấp đang phải “cõng” xe chở bauxite (ảnh: Thi Hoàng)

Qua hơn 30 năm khai thác, tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, QL20 là tuyến huyết mạch nối Tp Hồ Chí Minh với Tp Đà Lạt, một đoạn tuyến giao thông quan trọng phục vụ vận chuyển phát triển ngành công nghiệp nhôm nên việc cải tạo tuyến đường càng trở nên cấp thiết.

Khi thực hiện dự án, hướng tuyến cơ bản của tuyến đường vẫn bám theo QL 20 hiện tại và chất lượng đường được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, cấp III miền núi và cấp IV miền núi. “Mặt đường sau khi được cải tạo có thể phép mọi loại xe vận tải hoạt động, trừ xe quá tải và xe chuyện dụng công trường”, Thứ trưởng Viên khẳng định.

Dự án thành phần I có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 123,1 km, trong đó chiều dài tuyến cần khôi phục, nâng cấp cải tạo là 109,55 km, xây mới 6 cầu (1 cầu lớn 3 cầu trung và 2 cầu nhỏ); còn lại là 13,55 km đã xây dựng. Tổng mức đầu tư là 4.466 tỷ đồng được đầu tư theo hình thức BT. Dự án được giao cho Ban quản lý 7 (Tổng cục đường bộ VN) quản lý, chủ đầu tư được chỉ định là Liên doanh Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý giao thông Cửu Lông, Công ty TNHH Đông Mê Kong, Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí I, TCT vật liệu xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng.

Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014.

Theo Văn Thanh baogiaothongvantai.com.vn

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM