You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Phân kỳ tiến độ để kiểm soát dự án đầu tư

Email In

Theo Khánh An

(baodautu.vn) Nhà đầu tư đang được đề nghị phải tuân thủ thêm nhiều quy định mới, nhằm đảm bảo tiến độ dự án theo đúng cam kết.

Gỡ vướng quản lý


Câu chuyện tréo nghoe việc dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư biến mất mà cơ quan quản lý nhà nước vẫn ngồi đợi văn bản hướng dẫn xử lý từ cấp trên; hay việc nhà đầu tư vin cớ cơ quan quản lý vi phạm pháp luật khi yêu cầu họ ký quỹ thực hiện để kéo dài việc triển khai dự án mà không bị thổi còi… đang có cửa giải quyết dứt điểm.


Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/6/2006 quy định chi

Cách quản lý theo từng giai đoạn sẽ tạo công cụ pháp lý để kiểm soát tiến độ dự án. Ảnh: Đức Thanh

tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, nhiều đề xuất mới, nếu được chấp thuận, sẽ tạo công cụ pháp lý, chế tài để đạt mục tiêu nâng cấp chất lượng các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.


Cụ thể, thay vì các con số tổng vốn đầu tư, hay khoảng thời gian thực hiện dự án khô cứng trong nội dung Giấy chứng nhận đầu tư hiện hành, Điều 44 của Dự thảo đã đề nghị tách bạch rõ phần vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động cùng với tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn. Phần tiến độ thực hiện dự án cũng được yêu cầu làm rõ tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án (trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, nội dung hoạt động của từng giai đoạn).


Cách quản lý theo từng giai đoạn của dự án sẽ tạo công cụ pháp lý để kiểm soát được tiến độ dự án cũng như năng lực tài chính của nhà đầu tư một cách chặt chẽ, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư từ Trung ương tới địa phương.


Không những thế, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Đức Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cho rằng, yêu cầu minh bạch trong tiến độ góp vốn và triển khai dự án cũng sẽ buộc nhà đầu tư phải cân nhắc rất cẩn trọng khi đưa ra các cam kết với cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng nhà đầu tư “đăng ký ghi tên” hoặc khởi công lách luật thời gian vừa qua.


Đặc biệt, Dự thảo Nghị định cũng đã mở lối cho các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trong việc yêu cầu nhà đầu tư cam kết bảo đảm thực hiện dự án dưới các hình thức được pháp luật quy định (như đặt cọc, ký quỹ…), nhằm đảm bảo dự án được triển khai theo đúng điều kiện, tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.


Quy rõ trách nhiệm

Trái ngược với nhiều dự đoán về khả năng thu hẹp cơ chế phân cấp hiện hành, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP tiếp tục đề xuất duy trì quy định về phân cấp cấp Giấy chứng nhận đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư hiện hành.


Tuy nhiên, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhấn mạnh, một loạt giải pháp nhằm khắc phục hạn chế của cơ chế này cũng như nhiều điều khoản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư cũng đã được bổ sung.


“Dự thảo đã đề nghị bổ sung một loạt dự án quan trọng phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời quy định rõ trình tự, thủ tục thẩm tra các dự án này”, ông Hùng cho biết.


Cụ thể, theo Điều 40, Dự thảo Nghị định, dự án có tổng vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên;  phải di dân từ 10.000 người trở lên (ở miền núi) và 20.000 người trở lên (ở vùng khác)… hay dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên có quy mô từ 50 ha trở lên đều thuộc diện phải do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.


Với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển; kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng; xuất bản, báo chí; thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học - công nghệ 100% vốn nước ngoài cũng được đề nghị bổ sung vào danh mục các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ trước khi tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định.


Như vậy, so với quy định hiện hành là có thể bỏ qua bước xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nếu các dự án nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, thì những dự án sử dụng nhiều đất, trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các dự án thực hiện tại địa bàn quan trọng về an ninh, quốc phòng, trong một số lĩnh vực có điều kiện… sẽ được kiểm soát chặt chẽ về mặt chủ trương đầu tư. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ quyết định việc tạm ngừng cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với một số dự án theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong những trường hợp cần thiết.


Tuy nhiên, không như một số dự thảo trước đó đã đề cập, điều khoản quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được thấp hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án, đồng thời chỉ cho phép nhà đầu tư huy động vốn vay sau khi đã góp đủ vốn chủ sở hữu theo đúng tiến độ, đã được loại ra.


Ban soạn thảo cho rằng, mặc dù đề xuất khống chế tỷ lệ vốn chủ sở hữu sẽ góp phần đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực hiện dự án đầu tư, nhưng rất có thể sẽ tạo ra cơ chế phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài, trái với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (đã cam kết loại bỏ hạn chế này từ năm 2004) cũng như cam kết với WTO.


Hơn thế, trên thực tế, đối với một số dự án đặc thù (như kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà ở, các dự án BOT, BT, BTO), pháp luật hiện hành đã ràng buộc trách nhiệm thực hiện dự án của nhà đầu tư bằng việc áp dụng điều kiện về vốn pháp định và/hoặc vốn chủ sở hữu tối thiểu.

Dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết: Mở lối cho hình thức PPP

Email In

Theo Anh Minh

(baodautu.vn) Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ tháo gỡ được những vướng mắc lớn về pháp lý, nếu cơ chế thí điểm quản lý và thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cho Dự án này được phê duyệt.


Sau hai năm nghiên cứu, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, vào giữa tuần qua, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ Cơ chế Thí điểm quản lý và thực hiện Dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (gọi tắt là Dự án) theo hình thức PPP.


Với 9 chương, 56 điều, Cơ chế gồm các quy định tương đối chi tiết, liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng; phần tham gia vốn của


Phối cảnh Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Nhà nước trong dự án (VGF); cơ chế giải ngân VGF; đấu thầu tuyển chọn nhà đầu tư thứ hai; ưu đãi và đảm bảo đầu tư…

Trước đó, vào tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng Cơ chế Thí điểm quản lý và thực hiện dự án theo hình thức PPP.


Cần phải nói thêm rằng, việc thiếu một khung cơ chế quản lý, triển khai và những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư là một trong những vướng mắc lớn của Dự án - công trình đường cao tốc có tổng mức đầu tư lên tới 23.224 tỷ đồng này, từng được chốt tiến độ khởi công vào cuối năm 2010.


Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, Cơ chế Thí điểm quản lý và thực hiện Dự án theo hình thức PPP ban hành kèm theo Quyết định số 71/2010/QĐ – TTg chỉ đưa ra những điều kiện “cần”, mà chưa tính đến đặc thù của ngành GTVT, trong đó đây lại là dự án PPP đầu tiên theo thông lệ quốc tế, với sự hỗ trợ của WB.


Trên thực tế, hiện chưa có bất kỳ dự án PPP nào được triển khai, do nhiều quy định tại Quyết định số 71 có tính khả thi thấp; khả năng tài chính của các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong nước còn yếu…


“Chính vì vậy, Cơ chế Thí điểm quản lý và thực hiện Dự án theo hình thức PPP là tổ hợp những điều khoản có thể áp dụng được từ các văn bản pháp lý về PPP đã có và các điều khoản bổ sung mới, để có thể áp dụng triển khai ngay cho Dự án, với tiêu chí đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế”, đại diện Bộ GTVT cho biết.


Hiện chưa rõ Tập đoàn Bitexco (nhà đầu tư thứ nhất của Dự án) đánh giá về cơ chế này như thế nào, nhưng theo các chuyên gia, nhiều điều khoản trong Cơ chế Thí điểm này được coi là những ưu đãi “vượt khung” quy định hiện hành.


Được biết, trong cơ chế vừa được trình, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp Dự án được vay một khoản từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) như là một khoản tín dụng dài hạn và để tăng tính hấp dẫn của Dự án.


Bên cạnh đó, tại Dự án, VGF đã được xác định cụ thể và có nhiều điểm khác biệt so với Quyết định số 71/2010/QĐ – TTg. Theo đó, VGF là khoản bù đắp thiếu hụt về tài chính của dự án do Nhà nước đóng góp (được tính bằng chênh lệch giữa giá trị hiện tại ròng của tổng chi phí đầu tư của Dự án và giá trị hiện tại ròng của tổng doanh thu ước tính của Dự án trong toàn bộ thời gian nhượng quyền), nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính.


Cơ quan soạn thảo cũng đề nghị không đưa chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng vào tổng chi phí đầu tư Dự án, với lý giải là theo thông lệ quốc tế đối với các dự án PPP, thì đây là phần rủi ro mà Nhà nước phải gánh chịu để tạo lòng tin và thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia.


Trước đó, Bộ GTVT đã từng đề xuất cơ cấu nguồn vốn đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) Dự án như sau: vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước (10,6%); vốn vay thương mại từ các ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu (11%), vốn hỗ trợ của Ngân sách cho chi phí xây dựng (29,4%); vốn vay từ IBRD (49%).


Theo các chuyên gia, cho dù Cơ chế Thí điểm quản lý và thực hiện Dự án theo hình thức PPP được chỉ định áp dụng cho riêng Dự án, nhưng nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì đây vẫn có thể coi là “chìa khóa” chung cho các dự án PPP hạ tầng khác đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế triển khai.

Giải cứu thị trường bất động sản

Email In

Theo Hữu Tuấn

(baodautu.vn) Tại Hội thảo “Vực dậy thị trường bất động sản” diễn ra vào cuối tuần qua, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã hiến kế nhằm cứu doanh nghiệp bất động sản thoát khỏi tình trạng bết bát.

Khó khăn chồng chất



Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản đã mất tính thanh khoản, mất sức mua. Bên cạnh đó, ngành sản xuất xi măng đã tồn kho tới 3 triệu tấn (chưa bao gồm khối lượng xi măng tồn kho ở các đại lý) dẫn đến nhiều nhà máy xi măng phải đóng cửa, vật liệu ốp lát tồn đọng khoảng 50 triệu m2, thép tồn kho 225.000 tấn… Sự đình đốn

Muốn giải cứu doanh nghiệp và thị trường địa ốc thì nên áp dụng cùng lúc nhiều “liều thuốc”

của một số ngành kinh tế động lực trong nhóm ngành bất động sản dẫn đến tình trạng người lao động không có việc làm, hoặc chỉ làm cầm chừng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, năm 2011, có đến 90% doanh nghiệp bất động sản bị thua lỗ, doanh nghiệp không bán được hàng, trong khi phải trả lãi ngân hàng ở mức rất cao, doanh nghiệp bất động sản lại không thuộc nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi vay vốn ngân hàng.

Giải cứu như thế nào?

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, muốn cứu doanh nghiệp và thị trường bất động sản thì phải áp dụng cùng lúc nhiều “liều thuốc”, như gói cứu trợ, giãn thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đẩy nhanh đầu tư công… Vấn đề đầu tiên là phải xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình đề án về khả năng cho vay mới, khoanh nợ cũ cho những doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển, xóa nợ bằng dự phòng rủi ro… Bên cạnh đó, sẽ tiến hành các hoạt động mua bán nợ, phân loại nợ, phân loại doanh nghiệp…, với mục tiêu để tiến hành cho vay mới. Năm nay, dự kiến lạm phát sẽ được khống chế ở mức thấp, nên đây là thời điểm thích hợp để thực hiện các khoản đầu tư công theo kế hoạch; sẵn sàng cho ứng trước vốn xây dựng cơ bản của năm 2013 để thực hiện trong năm 2012.

Ông Nguyễn Lam Sơn, Tổng giám đốc Công ty Việt Trust cho rằng, chỉ nên giải cứu địa ốc bằng cách tài trợ cho người mua nhà, vì nếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều quá thì sẽ làm cho thị trường phát triển lệch lạc. “Việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chỉ có thể xem là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, chỉ có ưu đãi cho người mua nhà mới có thể cứu được thị trường”, ông Sơn nói.


“Tia sáng cuối đường hầm”

Một số yếu tố tích cực liên quan đến vốn cho bất động sản đang hé lộ. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, có thể từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản sẽ có thêm nguồn vốn lớn (khoảng 120.000 tỷ đồng) được “bơm” từ nguồn trái phiếu chính phủ. Theo kế hoạch, trong số 180.000 tỷ đồng đầu tư công dành riêng cho năm 2012, hiện mới dùng 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu tính cộng thêm 38.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ tạm ứng trước vốn của năm 2013, thì trong 7 tháng cuối năm thị trường có thể đón nhận gần 200.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến gói giải pháp khoanh nợ 100.000 tỷ đồng tạo điều kiện cho các ngân hàng giải ngân cho vay giúp tăng trưởng kinh tế. Đây là nguồn tài chính quan trọng tác động tới nhiều ngành kinh tế, trong đó có địa ốc.

Gần đây, cùng với việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động, thì lãi suất cho vay mua nhà đang giảm từ 20%/năm xuống 16%/năm. Lãi suất tiết kiệm thấp, nên người dân đang có xu hướng rút tiền gửi ngân hàng chuyển sang kênh đầu tư khác, trong đó có cả bất động sản. Thị trường vàng, ngoại tệ gần đây không có sóng lớn và có dấu hiệu các nhà đầu cơ đang âm thầm rút lui. Dự kiến, trong tuần này, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ Đề án Quỹ tiết kiệm cho người nghèo có sự hỗ trợ của Nhà nước và Quỹ tiết kiệm cho người trung lưu hỗ trợ cho người mua nhà.

Thị trường chung cư Hà Nội: Cắt lỗ để kích cầu

Email In

Theo Quang Hưng

(baodautu.vn) Từ đầu tháng 5 đến nay, giá bán căn hộ chung cư trên thị trường thứ cấp tại Hà Nội liên tục phá các ngưỡng hỗ trợ do chủ đầu tư đưa ra.

“Cần tiền bán cắt lỗ 500 triệu đồng chung cư Dương Nội CT8 tầng 16, căn 4, diện tích 83,8 m2. Giá gốc trên phiếu thu là 22,44 triệu đồng/m2, nay chỉ thu về 17 triệu đồng/m2. Người bán chịu hết các chi phí liên quan để làm thủ tục đổi tên cho người mua. Ưu tiên người thực sự có nhu cầu và liên hệ sớm, điện thoại 090226676x”. Đây là một trong số hàng chục mẩu rao “hot” trên sàn giao dịch bất động sản .info với đầy đủ tên họ, địa chỉ và số điện thoại của người bán.

Ảnh minh họa

Chủ nhân các số điện thoại 092735090x - 094628888x rao bán lỗ căn hộ khu Ngoại Giao đoàn gần công viên Hòa Bình (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Căn hộ tại các toà N04T1 - NO4T1, N03T3 - NO3T3, N03t4 - NO3T3, NO3T8 - N03T8 có diện tích 80 - 160 m2, 2 - 3 phòng ngủ, đang được rao giá bán 20 - 21 triệu đồng/m2 (người bán bao sang tên hợp đồng), trong khi giá mua là 26,5 triệu đồng/m2 (giá hợp đồng là 24,5 triệu đồng/m2, đã có thuế giá trị gia tăng).


Căn hộ tại Dự án Văn Phú Victoria (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang được nhiều người rao bán “cắt lỗ” với mức giá 16,5 triệu đồng/m2 (vào tên hợp đồng cho người mua), trong khi giá ký hợp đồng là 17 triệu đồng/m2 và giá người mua trước đây phải trả là 21 triệu đồng/m2...


Trên đây là nội dung của 3 trong số hàng chục các tin rao bán căn hộ của khách mua nhà. Các nhà đầu tư thứ cấp đều đưa ra mức giá thấp hơn 3-5 triệu đồng/m2 so với giá chủ đầu tư công bố. Đây thực sự là khó khăn lớn với các chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư vào thời điểm này, vì hầu như nó “chặn” toàn bộ nguồn khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, bởi người mua có thể tiếp cận mức giá bán “sơ cấp” giảm 15 - 20%.


Trong khi đó, theo CBRE Việt Nam, tại thị trường sơ cấp, từ đầu năm 2012, chủ đầu tư tiếp tục giảm mức giá chào bán căn hộ chung cư. Có 53% số căn hộ chào bán mới có giá dưới 22 triệu đồng/m2 (dưới 1.000 USD/m2, hiện tượng ít gặp kể từ cơ sốt nhà đất năm 2007). Các vị trí hấp dẫn như Mỹ Đình, Định Công và Cầu Giấy có giá chào bán quanh mức 1.000 USD/m2.


Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE, điều này sẽ khiến dự án có vị trí kém thuận lợi hơn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để thu hút khách mua. Nhiều chủ đầu tư đang nghiêm túc cân nhắc việc giảm kích thước và mức độ hoàn thiện căn hộ, nhằm hạ giá cả thành cả căn, nhưng việc làm này đang vướng phải mật độ xây dựng và tỷ lệ diện tích căn hộ trong một dự án theo quy định của Bộ Xây dựng.


Trên thị trường thứ cấp, giá chào bán tiếp tục xu hướng giảm từ quý II/2011 đến nay. Mức điều chỉnh giá trong quý này là một trong những mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008. “Hiện nay, giá căn hộ trong bán kính 5 - 7 km so với trung tâm Hoàn Kiếm gần bằng mức giá trong bán kính 10 km tại thời điểm năm 2010. Điều này bất lợi với chủ đầu tư, nhưng giúp người mua tiến vào khu vực trung tâm hơn, dù ngân sách không đổi”, ông Leech so sánh.

Dự án sử dụng Vốn ngân sách: Không còn phải ăn đong

Email In

Theo Nguyên Đức

(baodautu.vn) Nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn được ban hành, sẽ không có chuyện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ phải “ăn đong” vốn như hiện nay.

Hơn thế, theo kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, việc thay đổi cơ bản cách phân giao kế hoạch, phân bổ nguồn lực theo kế hoạch trung hạn sẽ giúp chuyện phân bổ vốn minh bạch hơn và xóa bỏ dần cơ chế xin - cho, thay vì làm hàng năm như hiện nay dễ dẫn đến tình trạng đồng vốn bị chia cắt, lại không biết công trình sẽ được bố trí vốn hàng năm ra sao,

Dự án dùng vốn ngân sách sẽ được bố trí vốn từ 3 đến 5 năm

“Làm kế hoạch trung hạn như vậy là phù hợp với thời gian hoàn thành một công trình và vì thế, biết nguồn lực đến đâu để sử dụng chủ động, linh hoạt và hiệu quả, góp phần đưa công trình vào sử dụng đúng tiến độ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và bày tỏ quan điểm rằng, đây cũng là cách để chống “bệnh” đầu tư dàn trải, lãng phí của đầu tư công thời gian qua.


Từng nhiều năm làm việc ở địa phương, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có lẽ rất thấu hiểu tình trạng không ít địa phương cứ “vô tư” ra các quyết định đầu tư, mặc dù không biết khả năng cân đối nguồn vốn ra sao, khiến đồng vốn đã hẹp lại bị chia nhỏ cho quá nhiều dự án. Điều này tất yếu dẫn tới hàng loạt dự án luôn trong tình trạng dở dang vì thiếu vốn, vừa chậm tiến độ, không hiệu quả, gây lãng phí.


“Nay phân bổ nguồn lực theo trung hạn, địa phương sẽ biết trong vòng 3-5 năm tới, họ chỉ có được chừng ấy tiền để biết cách phân bổ vốn cho những dự án quan trọng, cần thiết của địa phương. Tình trạng bố trí vốn một cách tùy tiện sẽ không còn, bởi đi kèm quyền chủ động, thì lãnh đạo địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trước các quyết định đầu tư của mình”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.


Nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, theo Dự thảo lần thứ nhất Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn thành, đó là kế hoạch đầu tư trung hạn nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại các chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm và các quy hoạch phát triển của quốc gia, của ngành, lĩnh vực và địa phương.


“Kế hoạch đầu tư trung hạn được lập phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, khả năng huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói và cho biết, một nguyên tắc khác của việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn là phải bố trí vốn tập trung, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, các lĩnh vực, vùng lãnh thổ, các dự án lớn, quan trọng, có ý nghĩa quốc gia...


Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định, đó là để lập kế hoạch đầu tư trung hạn, dù là ở bộ, ngành Trung ương, hay ở địa phương, thì bên cạnh việc đảm bảo cân đối vốn, đều phải tổ chức tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, hoặc các tổ chức, cá nhân về các dự án dự kiến đầu tư trong trung hạn. Thậm chí, còn phải tham vấn ý kiến của người dân đối với các dự án khởi công mới.


Việc này, theo một thành viên ban soạn thảo Nghị định, là rất cần thiết, để không chỉ giúp địa phương chủ động lựa chọn dự án, bố trí vốn đúng trọng điểm, mà còn có sự giám sát của cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án.


Như vậy, một trong những công việc then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc lập và triển khai các kế hoạch đầu tư trung hạn, đó là các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng được danh mục các dự án. Nhưng lựa chọn dự án nào? “Phải có tiêu chí cụ thể, dự án như thế nào, phục vụ cho cái gì, khả năng cân đối vốn ra sao thì mới được đưa vào chương trình đầu tư trung hạn, chứ không phải là tất cả các dự án. Đối với các dự án đa thành phần vốn, thì cũng cần phải chứng minh được các nguồn vốn còn lại sẽ được đảm bảo ra sao”, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói.


Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với Báo Đầu tư, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá đã khẳng định, để tái tái cấu trúc đầu tư công, có một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phải ngăn ngừa việc tiếp tục sản sinh ra những danh mục đầu tư “ba không” (không rõ mục đích, đầu tư để làm gì và cho ai; không cân đối được nguồn lực, gây chậm trễ việc đưa dự án, công trình vào sử dụng làm triệt tiêu hiệu quả; không xác định được phân kỳ đầu tư phù hợp, gây lãng phí lớn nguồn lực của dân). Do vậy, theo ông Giá, phải có các điều kiện và tiêu chí cụ thể, và cương quyết loại bỏ các danh mục đầu tư không phù hợp.


Nghị định Kế hoạch đầu tư trung hạn mới chỉ dự thảo lần đầu, nên chắc chắn sẽ được thảo luận, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục sửa đổi, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, dự kiến vào cuối quý III năm nay. Nếu như vậy, sẽ không kịp để chuẩn bị kế hoạch đầu tư trung hạn 2013 - 2015. Bởi thế, trong trường hợp này, nhiều khả năng, phải có một văn bản riêng về việc xây dựng kế hoạch đầu tư trong 3 năm trước mắt.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM