You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Phát triển nhà cho thuê thành mô hình phổ biến

Email In

Sáng 14/02, tại Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã chủ trì hội nghị triển khai phương hướng hoạt động của Ban chỉ đạo năm 2012 với sự tham gia đông đủ của các thành viên thuộc nhiều Bộ, ngành, địa phương.

“Để đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược Nhà ở Quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng cần khẩn trương tập trung xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chiến lược nhà ở; hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp pháp luật về nhà ở và thị trường BĐS bảo đảm phát triển lành mạnh, chống đầu cơ; tập trung nghiên cứu phát triển loại hình nhà cho thuê bởi đây sẽ là mô hình nhà ở phổ biến trong tương lai…”- Đó là chỉ đạo được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS nhấn mạnh tại hội nghị triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo năm 2012.

Trong chương trình công tác năm 2011 của Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng triển khai xây dựng đề án về nhà ở cho thuê. Chính vì vậy đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ triển khai theo kế hoạch của Ban chỉ đạo trong năm 2011.

Vấn đề nhà ở cho thuê cũng đã được Luật nhà ở quy định, một số chính sách về phát triển nhà cho học sinh, công nhân, người TNT cũng đã đề cập, tuy nhiên việc ban hành chính sách về nhà cho thuê vẫn chưa cụ thể, mới chỉ tập trung cho đối tượng xã hội, còn các đối tượng khác có khó khăn về nhà ở thì vẫn chưa có cơ chế cụ thể để khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Năm 2011 cả nước phát triển được 80 triệu m2 nhà ở, thấp hơn so với 2010 với 90 triệu m2. Con số này chưa đạt như kỳ vọng bởi chịu ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế và việc thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát.Trong khi đó mục tiêu đặt ra, mỗi năm Việt Nam sẽ phát triển mới thêm 100 triệu m2 nhà ở. Để đạt được mục tiêu này trong năm 2012 cần nhiều nỗ lực hơn, tạo nhiều kênh, nhiều nguồn vốn mới…

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ở các nước trên thế giới, 80-90% là nhà đi thuê, nhà thuộc sở hữu cá nhân rất ít. Trong khi đó ở Việt Nam, đất chật người đông, tỷ lệ nhà cho thuê lại rất ít, hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhà cho thuê chỉ đạt 14-16%. Để cải thiện nhà ở cho người dân phải thúc đẩy phát triển loại hình nhà cho thuê. Cần có cơ chế chính sách như thế nào, hình thành các doanh nghiệp chuyên về phát triển nhà cho thuê , mô hình quản lý phù hợp để phát triển phân khúc nhà cho thuê, đáp ứng nhu cầu cao của xã hội...

Thực tế ở Việt Nam, cần thay đổi cơ cấu hình thức, phát triển nhà cho thuê thay vì phát triển hình thức sở hữu riêng như hiện nay. Giá nhà ở luôn vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phân người dân, nếu cứ sở hữu riêng sẽ làm cho người dân khó tiếp cận nhà ở. Cả cuộc đời chi lo tích lũy một khoản tiền lớn để mua nhà, trong khi bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư vào lĩnh vực khác, lãng phí tiền của, cuộc sống thì không được cải thiện…Phát triển nhà cho thuê chính là giải pháp hữu hiệu để người dân cải thiện nhà ở, nâng cao chất lượng sống.

Chiến lược nhà ở quốc gia vừa được ban hành cũng phân định rõ: một mặt Nhà nước tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả, một mặt Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở phi hàng hóa- nhà xã hội để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Cùng với việc Nhà nước khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng quỹ nhà để bán, cho thuê giá rẻ, Nhà nước sẽ chủ động đầu tư quỹ nhà xã hội từ vốn ngân sách hoặc theo hình thức BT đổi đất lấy công trình… để có quỹ nhà để bán, cho thuê, thuê mua với giá rẻ nhằm đáp ứng cho đối tượng dân nghèo ...

Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp hữu hiệu nhất để phát triển nhà cho thuê chính là Nhà nước và DN cùng làm. Ở cấp vĩ mô, cần có một chiến lược tổng thể với các chính sách, công cụ tác động tới thị trường nhằm mục tiêu cuối cùng là cải thiện hệ thống cung cấp nhà ở, bảo đảm người dân có cơ hội nhà ở trong khả năng chi trả. Về chính sách phát triển nhà cho thuê cần đồng bộ, từ khâu giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng đến quản lý vận hành các dự án khi đã đi vào cho thuê, làm sao bảo đảm sự phát triển bền vững và lành mạnh của đô thị. Cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân để đa dạng hóa các nguồn lực vào thị trường này, tuy nhiên sự tham gia của khu vực công vẫn là yếu tố then chốt với sự thành công của quy hoạch, cung cấp, vận hành, duy tu cơ sở hạ tầng…

Đề án về nhà cho thuê do Bộ Xây dựng nghiên cứu, soạn thảo sẽ tập trung quy định các nội dung về đầu tư phát triển nhà cho thuê, cơ chế ưu đãi cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà cho thuê, quy định việc quản lý sử dụng quỹ nhà này. Việc quy định cụ thể các vấn đề cơ bản của phát triển, quản lý nhà cho thuê nhằm bảo đảm tính thống nhất của chính sách về nhà ở cho thuê hiện nay. Bộ Xây dựng cũng dự kiến tháng 6/2012 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt Đề án này.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu mỗi năm đầu tư xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án phát triển nhà ở đô thị được dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo; chú trọng tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, nhà cho thuê theo hướng vừa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đồng thời Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở để cho thuê.

Đến 2015, tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 20% tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên

Đến 2020, tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 30% tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên.

K.N (Theo nguồn tin baoxaydung.com.vn)

Xây hơn 1.450 căn hộ cho người có thu nhập thấp

Email In

Ông Lê Tuấn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án số 12 (Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị - HUD) cho biết tập đoàn đang triển khai xây dựng 1.456 căn hộ cho người thu nhập thấp tại dự án khu đô thị mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh, Hà Nội.


Khu đô thị mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 2 có quy mô 55,38ha, nằm trong tổng thể đô thị mới Mê Linh ngay cạnh đường Vành đai 4 và giáp khu Trung tâm hành chính mới của huyện Mê Linh, nơi tập trung một số lượng lớn cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.


Nắm bắt được nhu cầu bức thiết về nhà ở của cán bộ công chức và công nhân lao động trên địa bàn, Tập đoàn đã đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại quỹ đất 20% dành xây dựng nhà ở xã hội thuộc dự án Thanh Lâm-Đại Thịnh 2.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 811 tỷ đồng được bố trí bằng nguồn vốn tự có của Tập đoàn HUD và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.


Dự án dành 6 ô đất để xây dựng chung cư cao tầng với 1.456 căn hộ có diện tích từ 45m2 đến 60m2 phục vụ nhu cầu của người thu nhập thấp. Các tòa chung cư sẽ dành tầng 1 cho dịch vụ gửi xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, bảo vệ, kỹ thuật và sảnh vào; tầng 2 là dịch vụ thương mại, công cộng; từ tầng 3 đến tầng 9 là căn hộ ở.


Các căn hộ đều được thiết kế hợp lý, tiện nghi trong sử dụng, vật liệu hoàn thiện chất lượng tốt với giá cả hợp lý; môi trường sống và cảnh quan ngoài nhà thân thiện với thiên nhiên, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân về sinh sống tại đây.

Tập đoàn HUD dự kiến sẽ khởi công dự án trong quý I này và đặt mục tiêu hoàn thành sau 24 tháng, góp phần cùng thành phố Hà Nội giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho người thu nhập thấp.

Theo Thu Hằng - TTXVN/Vietnam+

Hà Nội dẫn đầu cả nước về tỷ lệ nhà chung cư

Email In

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, tỷ lệ nhà chung cư tại các đô thị trên cả nước đạt 3,72% tổng diện tích nhà ở. Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất với tỷ lệ chiếm tới 16,64%.


Việc Hà Nội giữ ngôi “quán quân” về tỷ lệ nhà chung cư được lý giải bởi một loạt các dự án lớn đã và đang được triển khai. Điển hình là hệ thống các dự án dọc đại lộ Thăng Long và Lê Văn Lương kéo dài đến đường vành đai 4 như dự án khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ, Spendora, Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh…


Bên cạnh đó là hàng trăm dự án chung cư được triển khai tại các quận, huyện khác và các dự án nhà cho người thu nhập thấp. Nguồn cung lớn cũng là tín hiệu đáng mừng cho những người có nhu cầu thực sự về chỗ ở trong thời gian tới.

Xếp sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đứng thứ hai, với tỷ lệ chung cư chiếm 6,13%. Hải Phòng và Đà Nẵng lần lượt xếp ở các vị trí thứ hai với tỷ lệ lần lượt là 5,8% và 2,1%.


Cũng theo Bộ Xây dựng, quy mô diện tích căn hộ bình quân cũng ngày càng tăng lên. Hiện cả nước đã có trên 51,5% tổng số căn hộ có diện tích trên 60m2, trong đó 17,9% có diện tích từ 100m2 trở lên.

Riêng tại khu vực đô thị, tỷ lệ quy mô căn hộ có diện tích từ 100m2 trở lên chiếm 26,63%; căn hộ từ 60m2 đến dưới 100m2 chiếm 29,515%; căn hộ từ 30m2 đến 60m2 chiếm 29,61%; căn hộ dưới 30m2 chiếm 14,26% (trong đó, còn có 4,04% số căn hộ có diện tích dưới 15m2).

Theo Sơn Bách - Vietnam+

Chuyển nhượng ”nhà trên giấy” vẫn phải nộp thuế TNCN

Email In

Mạnh Bôn

(baodautu.vn) Bộ Tài chính vẫn quyết định không miễn thuế TNCN đối với trường hợp cá nhân đã có nhà ở, đất ở nay có phát sinh thêm việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai (chuyển nhượng hợp đồng góp vốn để có quyền mua nền nhà, căn hộ hoặc chuyển nhượng hợp đồng mua nền nhà, mua căn hộ)

 

Theo Thông tư 12/2011/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành thì kể từ ngày 13.3.2011, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thực hiện kê khai, nộp thuế TNCN tại chi cục thuế địa phương nơi có bất động sản chuyển nhượng hoặc tại tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu thuế.

Hồ sơ  khai thuế gồm, Hợp đồng chuyển nhượng Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai đã được công chứng (nếu chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì các bên phải xuất trình hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai lần trước); Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai ký với chủ dự án cấp I, cấp II hoặc sàn giao dịch của chủ dự án; Tờ khai thuế TNCN.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai kê khai, nộp thuế, Bộ Tài chính cho phép cục thuế các địa phương căn cứ tình hình thực tế quyết định việc uỷ nhiệm cho tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà (chủ đầu tư dự án phát triển khu nhà ở, dự án khu đô thị mới cấp I, cấp II và sàn giao dịch bất động sản) thu thuế TNCN.


Cũng theo Thông tư 12/2011/TT-BTC, trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai nếu giá chuyển nhượng ghi trên Hợp đồng và trong Tờ khai thuế không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng để tính thuế sau khi tham khảo giá tại sàn giao dịch bất động sản của chủ dự án hoặc sàn giao dịch bất động sản nơi có bất động sản chuyển nhượng.

Thu nhập tính thuế đối với việc chuyển nhượng hợp  đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được xác định bằng tổng giá chuyển nhượng tính theo giá sàn giao dịch trừ tổng giá mua ghi trên Hợp đồng mua bán nhà ở và áp dụng mức thuế suất 25%. Trường hợp không xác định được giá sàn giao dịch thì áp dụng thuế suất 2% tính trên tổng giá mua ghi trong Hợp đồng mua bán nhà ở.


Cùng với việc quy định cụ thể về việc nộp thuế  TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng hợp  đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai của cá nhân đã có nhà ở, đất ở, Thông tư 12/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể những trường hợp được miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

Cụ thể, cá nhân có thu nhập từ lãi gửi VNĐ, vàng, ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng dưới hình thức gửi tiền không kỳ hạn, có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi theo thỏa thuận đều được miễn thuế TNCN.

“Đổi đất lấy hạ tầng” dễ dẫn đến tham nhũng

Email In

Cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” dễ dẫn đến tham nhũng do cách thức thẩm định giá đất. Thực tế nhiều vụ tham nhũng được phát hiện liên quan đến định giá quá thấp hoặc quá cao đối với đầu tư cơ sở hạ tầng…Từ “đổi đất lấy hạ tầng”…

Đây là nhận định của Ngân hàng thế giới (WB) được chỉ ra trong Báo cáo “đánh giá các yếu tố rủi ro gây tham nhũng trong quản lý đất đai” mới đây.

Nguy cơ tham nhũng trong cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng"

Tại báo cáo trên, WB cho rằng, một trong những nguy cơ tham nhũng xuất phát từ việc các quan chức cấp tỉnh ra quyết định về việc giao và cấp đất, đồng thời là người chủ trì việc thẩm định giá đất nhưng lại không chịu sự giám sát bên ngoài. Và hệ thống thẩm định giá bị lạm dụng do thiếu tính độc lập.


Theo hệ thống thẩm định giá hiện nay, hầu hết các địa phương trong cả nước rất dễ có được giá đất thấp. “Thỏa thuận không chính thức” giữa chủ đầu tư và các cơ quan nhà nước liên quan sẽ đủ để định giá đất thấp hơn giá thị trường.

Nhưng để có được đất với giá thấp, chủ đầu tư sẽ có động cơ để hối lộ cho các quan chức nhà nước tham gia vào việc xác định giá giao/cho thuê đất. Nhóm nghiên cứu cho rằng có hai cách phổ biến để hối lộ quan chức.

Một là chủ đầu tư hối lộ quan chức nhà nước để được phê duyệt giá giao/cho thuê đất ở mức thấp; hai là chủ đầu tư hứa hẹn sau khi hoàn thành dự án, họ sẽ bán đất, nhà ở hoặc văn phòng với mức giá thấp hơn giá thị trường cho các quan chức nhà nước.


Đặc biệt, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được áp dụng từ lâu dễ dẫn đến tham nhũng nhờ cách thức thẩm định giá đất. Nhiều vụ tham nhũng được phát hiện liên quan đến định giá quá thấp hoặc quá cao đối với đầu tư cơ sở hạ tầng.

Biện pháp này gồm có một hợp đồng giữa UBND tỉnh và chủ đầu tư. Trong đó chủ đầu tư cấp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng do nhà nước yêu cầu như đường xá, cầu cống, trạm thủy điện, hệ thống tưới tiêu… Sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng, nhà nước cấp một diện tích đất có giá trị tương đương với cơ sở hạ tầng đó cho chủ đầu tư vì mục đích thương mại.


… đến dự án BOT

Sau nhiều sự vụ xảy ra, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” đã được bãi bỏ vào năm 2003. Nhưng những năm gần đây, nguy cơ tham nhũng tương tự lại xuất hiện trong việc giao/cấp đất cho các loại dự án BOT (Xây dựng - hoạt động - chuyển giao).

Trong những loại dự án này, các chủ đầu tư được giao/cấp đất (miễn phí) để xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị mới. Sau đó, chủ đầu tư xây dựng nhà để bán và thu hồi lại vốn đầu tư.


Vì không có quy trình chống tham nhũng đối với việc xác định giá trị đất đai và cơ sở hạ tầng được đầu tư nên nhóm nghiên cứu cho rằng đã tạo ra kẽ hở rất dễ dẫn đến tham nhũng.

Trong trường hợp này, tham nhũng được thúc đẩy bởi đặc lợi kinh tế do chủ đầu tư có thể tạo ra từ chênh lệch giữa giá thị trường và giá do chính quyền cấp tỉnh phê duyệt đối với đất giao cho chủ đầu tư. Thực tế, giá UBND tỉnh đưa ra chỉ bằng 40 - 70% giá thị trường.


Có thể thấy, việc tự quyết định giá đất mà không bị kiểm tra càng dẫn tới nguy cơ tham nhũng nhiều hơn. Do đó, theo nhóm nghiên cứu, vấn đề này cần được cải thiện bằng cách xây dựng các quy định pháp lý để thuê ngoài các dịch vụ thẩm định giá qua các tổ chức độc lập có tính cạnh tranh và bằng cách giao quyền cho một ủy ban độc lập xét duyệt giá giao/cấp đất.

Đây là những bước đi triển vọng để giảm bớt những đặc lợi kinh tế to lớn mà đây chính là động cơ cho hành vi tham nhũng.

Theo Lan Hương – Dân trí

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM