You are here: Tin tức
 
 

Tin tức - Sự kiện

Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây KTX sinh viên

Email In

 

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành; Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đề nghị khẩn trương chỉ đạo các chủ đầu tư dự án và đơn vị có liên quan báo cáo về tình hình triển khai các dự án KTX sinh viên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, kết quả giải ngân các khối nhà đang thi công đến thời điểm hiện nay (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) và nhu cầu ứng vốn đối với các khối nhà trong từng dự án đã khởi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2010; khối nhà hoàn thành trong năm 2011; khối nhà sẽ khởi công năm 2011 gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 31/8/2010 để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Đối với các địa phương và bộ, ngành đã đăng ký (nhưng chưa được Thủ tướng phê duyệt danh mục) hoặc chưa đăng ký dự án mới: Rà soát lại danh mục và kiểm tra các điều kiện cụ thể theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP và Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg để đảm bảo có thể khởi công ngay khi được phân bổ vốn trái phiếu năm 2011; lập báo cáo chi tiết gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 31/8/2010 để tổng hợp trình Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011. Các danh mục dự án đề nghị khởi công năm 2011 nhất thiết phải đảm bảo đã có "đất sạch" và đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

Thư kỳ

Trục Hồ Tây – Ba Vì : Hà Nội hướng tới thiên niên kỷ thứ hai

Email In

Trục Ba Vì - Hồ Tây : nối tiếp cuối đường Hoàng Quốc Việt đến Hồ Đồng Mô

Trục Hồ Tây – Ba Vì luôn được chú ý và có nhiều tranh luận . Đáng chú ý là phần đông các cư dân Thủ đô trẻ tuổi tán thưởng không gian hiện đại này . Bài dưói đây là quan điểm của bạn đọc Trần Huy Ánh - thành viên Hội KTS Hà Nội. Tuy không chuyển TTHCQG lên Ba Vì , nhưng đây đã được xác định lập quỹ đất dự trữ Quốc gia , không gian phát triển cho 40 năm nữa ( 2050 ) , như vậy không có nghĩa là không cần có đường dẫn lên đó . Giả sử Quỹ đất dự trữ ấy Hà Nội trồng rừng , làm công viên cây xanh công cộng thì hàng ngàn Ha rừng cây kết hợp với hàng ngàn Ha mặt nước hồ Đồng Mô , lại kề cận đô thị công nghệ cao Hoà Lạc – đây thật sự là công viên nghỉ dưỡng lý tưởng cho Thủ đô , lại tạo việc làm dịch vụ cho nhân dân địa phương .

Con đường dẫn từ trung tâm TP đông đúc lên Ba Vì xanh sạch đi lại nhanh , thuận tiện càng phát huy giá trị kinh tế xã hội.

 

Mặc dù thực tế cũng như QH đã xác định thêm nhiều trục giao thông từ trung tâm TP về phía Tây , nhưng trục Ba Vì Hồ Tây đảm nhiệm đặc thù giao thông riêng. Nó có vai trò như khép kin vòng tròn giao thông , tất nhiên đã có cả đường 32 lên Sơn Tây (lại thêm Tây Thăng Long nữa) , vòng qua đường 21 về Hoà Lạc , nhưng nó có vị trí đảm bảo sự lưu thông thuận tiện nhất nếu có bất cứ sự cố nào , nhất là Hà nội nối Hoà lạc chỉ có một trục duy nhất là ẩn chứa tê liệt nếu có sự cố , cho dù đường rộng tới đâu thì vẫn là độc đạo.

 

Có điều dở nhất là chúng ta nói vo nhiều quá , chưa thấy GS, TS nào phân tích nhu cầu giao thông dựa trên các phần mềm máy tính chuyên dụng cả .Tư vấn phản biện quốc tế nhấn mạnh việc ta cần sử dụng mô hình tính toán EMME2 để phân tích sự tác động qua lại trong việc dự báo về nhu cầu giao thông, nạn tắc đường, chiến lược sử dụng đất. Hà Nội có nhiều công ty tin học lớn có khả năng , ta nhờ họ tính thì rất thuyết phục . Kết quả sẽ cho biết chính xác thời điểm nào cần quy mô nào đáp ứng , tương tác với cả mạng lưới sẽ lợi hay bất lợi ra sao.

Những lo ngại trục đường sẽ phá hỏng cảnh quan khá vu vơ , trong khi thực tế kông có trục đường này , Hà Tây (cũ) và Hà Nội hiện nay có nhiều dự án chủ động tấn công các

KTS Trần Huy Ánh và Bùi Thế Trung khảo sát hệ thống GTCC tại Kuala Lumpure

cảnh quan nơi đây rồi. Bảo tồn đặc biệt không gian tự nhiên Ba Vì thì việc trước mắt và quan trọng của Thành phố là triệt thoái các dự án kinh doanh BĐS núp tên sinh thái nhà vườn, khu nghỉ dưỡng kết hợp sân golf …quanh đây mới là thiết thực , lại mở rộng thêm diện tích dự trữ Quốc gia thì tốt quá.

 

Trục Ba Vì - Hồ Tây , đoạn 1 từ cuối đường Hoàng Quốc Việt đến hết Vành đai Xanh khuyến nghị làm đường trên cao - Hình phối cảnh mở rộng đoạn trục 300m có rất nhiều cây xanh và không gian công cộng

Còn trục đường vượt qua hai khu vực Vành đai Xanh và Hành lang Xanh thì đưa nó lên cao , đảm bảo hành lang thoát nước ( 2 khu này đều trũng) giữa nguyên đồng ruộng xanh bên dưới, loại bỏ hiện tượng xây dựng bám 2 bên đường , đỡ cả mối lo lợi ích nhóm này kia làm đường là phụ , bán đất ven đường là chính . Mặt cắt đường rộng cỡ nào cũng nhờ máy tính trợ giúp xác định sao cho phù hợp . Ví như khi chưa xuất hiện nhu cầu lớn chỉ cần một tuyến tầu điện 1 ray cũng là một gợi ý . Việc kết hợp trục giao thông với các tuyến đường dây đường ống kỹ thuật đi dưới mặt đất hay đặt trên cao đều bố trí được . Đoạn vượt qua Hành lang Xanh đến đất dự trữ Quốc gia để tới 30-40 năm nữa không biết ra sao,tôi và anh nếu còn sống thì cũng rất già, tính hộ lớp trẻ làm gì,

tính đúng chưa có khả năng , tính nhầm thì phải tội đấy. Nhưng đoạn từ Hoàng Quốc Việt tới vành đai 4 cần can thiệp ngay vì hiện tại đang đứng trước nguy cơ bị băm nát rồi.

 

Có ý kiến cho rằng chỉ nên bỏ khúc nối Hoàng Quốc Việt đến hết Vành đai Xanh sông Nhuệ - làm một trục giao thông mà không xác định xuất phất từ đâu, kết thúc chỗ nào thì là tai hoạ. HN đã có không ít con đường ngớ ngẩn như thế lắm rồi , nay không cần thêm nữa . QH để phân kỳ thực hiện có mục tiêu , lộ trình , hôm nay ta quá thận trọng rụt rè sẽ để lại khó khăn cho ngày mai, thậm chí bế tắc .

Mặt cắt đường 300 mét , tạo không gian lớn hai bên đường tới hàng nghìn mét – Đó chính là không gian Hà Nội mới , hướng tới thiên niên kỷ thứ hai. Những khu đô thị lí nhí chia lô những cao ốc bé như bó đũa bám chợ bám đường chỉ thích hợp với tư duy anh

Không gian hiện đại, nhiều công trình công cộng khối lớn từ Vành đai Xanh đến vành đai 4

hàng xén. Các nhà QH và quản lý nếu cố gắng vựơt khỏi cái nhận thức cũ kỹ thì quý lắm . Hãy trưng bầy cái mô hình này ra , hỏi những công dân thủ đô tầm tuổi dưói 35 ấy , rằng họ có bằng lòng Hà Nội xắp xếp không gian khoáng đạt như vậy …Họ mới là ngưòi cho câu trả lời đáng ghi nhận.

 

Gian nan mua nhà giá thấp

Email In

Để tránh tình trạng khách mua tập trung quá đông vào các dự án thời gian đầu, nhiều chủ đầu tư đề xuất xét ưu tiên các đối tượng theo địa bàn - Ảnh: N.N

Với tổng số 328 căn diện tích dao động từ 60-80m2, giá dự kiến 8,8 triệu đồng/m2, chủ đầu tư toà nhà CT1 Ngô Thì Nhậm chính thức thu nhận, xét duyệt hồ sơ đăng ký mua căn hộ từ ngày 26/8 đến hết ngày 10/9. Dự án nhà ở thu nhập thấp đầu tiên gần kề nội đô này đang thu hút đông đảo sự quan tâm của những người làm công ăn lương chưa có nhà ở Hà Nội.

Nghe tin dự án nhà ở thu nhập thấp đầu tiên sắp sửa tiếp nhận hồ sơ, đặc biệt là được người thân đồng ý cho mượn số tiền vài trăm triệu để mua nhà, mấy ngày nay, anh Quốc Bảo, quê gốc Thanh Hoá, công tác ở một doanh nghiệp nhà nước thuộc quận Hai Bà Trưng đôn đáo tìm hiểu thông tin, tận dụng các mối quan hệ quen biết nhằm tìm cách tiếp cận dự án.

Cùng cơ quan với anh Bảo, chị Hoàng Thanh từ cách đây vài tuần đã sốt sắng nắm bắt thông tin từ các nguồn cũng chỉ với mong mỏi có được cơ hội mua căn hộ “vừa vặn” với khoản tiền cần kiệm sau nhiều năm lao động tích cực.

Tuy nhiên nếu căn cứ theo quy định về “diện được mua nhà giá thấp” tại Thông tư 36 của Bộ Xây dựng và thang điểm 100 điểm theo Quyết định 34 của UBND TP.Hà Nội thì cơ hội mua nhà của chị Thanh và anh Bảo đợt này là không cao.

Bởi lẽ, bên cạnh các tiêu chí cơ bản (chiếm đến 90 điểm): người mua nhà phải là cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhà ở hoặc có nhà ở dưới 5m2 sử dụng/người, có thu nhập dưới mức bình quân của địa phương..., thì 10 điểm còn lại – cũng là 10 điểm quyết định, lại dành ưu tiên cho các đối tượng thuộc diện chính sách, người có công đến những người lao động, hoạt động có trình độ, tay nghề bậc cao nhất trong một số lĩnh vực.

Trước tình trạng nguồn cung căn hộ đợt đầu có hạn mà khả năng sẽ có một lượng cầu rất lớn, ông Đặng Hoàng Huy – Tổng Giám đốc Công ty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai – chủ đầu tư dự án CT1 – Ngô Thì Nhậm, Hà Đông lưu ý, các khách hàng cần nghiên cứu kỹ Quyết định 34 ban hành ngày 16/8 của UBND Hà Nội để xem mình thuộc đối tượng được xét hay không, nếu có thì đạt thang điểm bao nhiêu.

Ông Huy khuyến cáo, những trường hợp tự xét thấy mình thấp điểm quá thì chưa nên tham gia đăng ký mua nhà đợt này mà nên tiếp tục kiên nhẫn chờ các dự án kế tiếp, bởi khả năng những khách hàng đạt điểm tối đa (100 điểm) trong giai đoạn đầu tiên sẽ là rất lớn.

Thậm chí trong trường hợp có quá nhiều người cùng đạt 100 điểm thì có thể sẽ phải tính đến phương án bốc thăm để chọn ra người được quyền mua trước. “Chúng tôi sẽ bán căn hộ đúng theo Quyết định và sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào cả” – vị Tổng Giám đốc cam kết.

Không chỉ dự án CT1-Ngô Thì Nhậm, nguồn cung căn hộ giá rẻ tại quận Hà Đông thời gian tới tiếp tục tăng mạnh khi dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp quy mô 5 khối nhà cao 19 tầng gồm 1.512 căn hộ, diện tích từ 65-70m2, giá dự kiến 8 triệu đồng/m2 vừa được Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng VN - Vinaconex khởi công hôm 21/8.

Bên cạnh đó, 800 căn hộ cho thuê theo diện nhà xã hội do vốn ngân sách thành phố đầu tư cũng đang được gấp rút hoàn thiện tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên).

Trước đó năm 2009, nhà giá rẻ tại tỉnh Vĩnh Phúc, thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) và đầu năm nay là khu Đặng Xá (huyện Gia Lâm), Hà Nội đã nhận được phản hồi hết sức tích cực từ thị trường khi hàng trăm căn hộ giá từ 200-500 triệu đồng/căn đã được tiêu thụ hết veo chỉ trong vài ba ngày.

Theo Nguyễn Nga - Vietnamnet

Giá bất động sản sẽ được kéo xuống

Email In
Trái với lo ngại về nguy cơ giá bất động sản (BĐS) sẽ bị đẩy lên, ông Nguyễn Quốc Chiến - trưởng Ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM - khẳng định việc áp giá thị trường để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất (nghị định 69NĐ/2009-CP) về lâu dài sẽ kéo giá BĐS xuống. Ông Chiến nói: 
 
 Thật ra, “giá thị trường” là căn cứ để xác định tổng doanh thu của dự án, nên chỉ tính với tổng diện tích thương phẩm (diện tích kinh doanh thực tế) chứ không phải cho toàn bộ diện tích dự án như một số doanh nghiệp đã hiểu.
 
Theo phương pháp thặng dư xác định tiền sử dụng đất (SDĐ), phần chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí của dự án (tiền đền bù giải tỏa, suất đầu tư, lãi ngân hàng, lợi nhuận

Giá thị trường căn hộ được kỳ vọng sẽ ổn định (ảnh chụp tại một dự án ở Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: CTV

 của doanh nghiệp...) chính là tiền SDĐ. Chẳng hạn một dự án xây dựng căn hộ có tổng diện tích là 20.000m2, trong đó diện tích thương phẩm theo chỉ tiêu quy hoạch là 6.000m2 và giả định giá thị trường tại khu vực dự án là 20 triệu đồng/m2.

 

Tổng doanh thu của dự án sẽ là 120 tỉ đồng (6.000m2 thương phẩm x 20 triệu đồng). Sau khi cộng tất cả chi phí đầu tư và lợi nhuận dự kiến cho toàn bộ 20.000m2 của dự án, giả định con số này là 80 tỉ đồng. Như vậy, khoản tiền SDĐ mà doanh nghiệp phải nộp là 40 tỉ đồng, tính ra tiền SDĐ trên mỗi mét vuông đất được giao chỉ có 2 triệu đồng.

 

Với cách tính này, cùng một địa điểm và diện tích bằng nhau, chi phí đền bù và suất đầu tư như nhau, dự án nào có diện tích thương phẩm ít (mật độ và hệ số xây dựng thấp) sẽ nộp tiền SDĐ ít hơn và ngược lại.

 

Một trong những vướng mắc hiện nay là xác định chi phí để khấu trừ, đặc biệt là chi phí đền bù giải tỏa, các khoản chi hợp lý nhưng không hợp lệ phát sinh khá lớn. Gỡ việc này như thế nào, thưa ông?

 

Hầu hết những trường hợp vướng mắc đều thuộc các dự án chuyển đổi từ đất nông nghiệp. Trước đây, khi tiền SDĐ còn được tính theo khung giá có sẵn và các dự án BĐS đem lại siêu lợi nhuận, các doanh nghiệp sẵn sàng bồi thường đất nông nghiệp bằng mọi giá, vượt xa khung giá và các khoản hỗ trợ theo quy định.

 

Với các chi phí được cho là hợp lý (nhưng không hợp lệ) khá lớn, nhiều chủ đầu tư không tránh khỏi thiệt hại nếu chỉ khấu trừ các chi phí hợp lệ. Căn cứ vào quy định cho phép thỏa thuận giá bồi thường với người dân (nghị định 84), nhiều doanh nghiệp kiến nghị phải tính cả khoản bồi thường hợp lệ và hợp lý vào chi phí đầu tư để được khấu trừ.

 

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, việc đẩy giá đất nông nghiệp lên cao, thậm chí vượt xa giá đất dân cư giao dịch thực tế trong khu vực, thì lỗi trước hết là của doanh nghiệp. Khi nâng giá bồi thường vô tội vạ, chính doanh nghiệp đã góp phần tạo ra những cơn sốt đất, làm phát sinh nạn đầu cơ đất dự án trong khu vực đất nông nghiệp. Trong rất nhiều trường hợp, tiền bồi thường rơi vào túi giới đầu cơ chứ không phải là người dân có đất thật sự.

 

Với việc thu tiền SDĐ theo quy định mới, thưa ông, nạn đầu cơ đất cũng như thao túng giá BĐS đã có phương thuốc “đặc trị”?

Có thể nói như vậy. Dù vẫn đảm bảo lợi nhuận, nhưng các chủ dự án sẽ không còn thu được siêu lợi nhuận như trước. Nếu có đẩy giá bán sản phẩm lên cao, chủ đầu tư cũng không được lợi lộc gì, do phần chênh lệch (giữa doanh thu và chi phí + tỉ suất lợi nhuận cố định) là tiền SDĐ, phải nộp lại cho Nhà nước.

 

Không thu được siêu lợi nhuận, doanh nghiệp cũng sẽ cẩn trọng hơn trong việc tính toán giá đền bù và hỗ trợ một cách phù hợp, không gom bằng mọi giá, hoạt động đầu cơ đất dự án do vậy cũng không còn đất dụng võ. Một khi giá đất ổn định và doanh nghiệp cũng thu một mức lợi nhuận ổn định đối với các dự án, mặt bằng giá trên thị trường BĐS sẽ bị kéo xuống và ổn định hơn.

Theo Hải Đăng - TT

 

Dấu ấn “Thủy lợi 4” tại miền Trung

Email In

Hoàng Anh

 

Tháng 8/2010 đánh dấu tròn 10 năm ra đời của Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 tại miền Trung (Hyco 4 miền Trung). Thời gian đó đã in đậm dấu ấn của thương hiệu Hyco 4 trên những công trình thủy lợi, thủy điện miền Trung.

 

Cột mốc ghi nhận sự ra đời của Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 tại miền Trung gắn liền với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, khi Tổng công ty chính thức phân công Chi nhánh miền Trung đảm nhận thi công 20 km mặt đường Hồ Chí Minh. Những người thợ đầu tiên của Hyco 4 miền Trung đã gắn liền cuộc sống của mình với núi rừng hiểm trở và cũng khởi đầu với những công trình gắn liền với dãy Trường Sơn, những công trình thủy điện quy mô lớn. 

Đập tràn ngăn dòng sông Tranh, do Hyco 4 miền Trung thi công, đang đổ những lớp bê tông cuối cùng

 

Với pháp nhân là Ci nhánh miền Trung, nhưng kế thừa truyền thống của người thợ thủy lợi nổi tiếng một thời mang thương hiệu “Thuỷ lợi 4”, một thời là đơn vị chủ lực của Bộ Thủy lợi, đảm nhận thi công các công trình thủy lợi, thủy điện của ngành thủy lợi, thủy điện... trên khắp mọi miền đất nước, Hyco 4 miền Trung đã được lãnh đạo Tổng công ty, chủ đầu tư nhiều dự án tin tưởng giao thi công các công trình trọng điểm quốc gia có quy mô lớn tại miền Trung, như Thủy điện A Vương, tổng thầu xây lắp các công trình thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 4 A, ...

 

Thử thách đầu tiên đối với cán bộ, công nhân viên Hyco 4 miền Trung là được Tổng công ty giao thi công Công trình Thủy điện A Vương. Đây là dự án thủy điện lớn đầu tiên tại Quảng Nam, do Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng. Dự án nằm trên sông A Vương và sông Bung, có công suất 210 MW, trong đó công suất mỗi tổ máy là 105 MW, với sản lượng điện hàng năm 815 triệu kWh, được xây dựng tại huyện Tây Giang và Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

 

Đây là dự án thuỷ điện quy mô lớn tiên phong tại Quảng Nam, nên các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và cả chủ đầu tư đều mong muốn các nhà thầu, trong đó cho Hyco 4 miền Trung, triển khai đúng tiến độ, đảm bảo đạt chất lượng tốt. Đây cũng là dự án thuỷ điện đầu tiên do nhà thầu trong nước đảm nhận thi công những hạng mục quan trọng - một thách thức không nhỏ với Tổng công ty.

 

Thách thức càng lớn, bản chất người thợ “Thuỷ lợi 4” của cán bộ, công nhân Hyco 4 miền Trung càng được phát huy. Lãnh đạo Hyco 4 miền Trung đã tập trung nguồn nhân lực tổ chức thực hiện đúng tiến độ đã đề ra theo yêu cầu của chủ đầu tư; chủ động cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm về dây chuyền sản xuất bê tông đầm lăn (RCC), công nghệ thi công tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, vừa tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, vừa đảm bảo chất lượng, cũng như tiến độ thi công luôn vượt kế hoạch đề ra.

 

Bên cạnh đó, Hyco 4 đã điều động cán bộ, kỹ sư vượt qua hàng trăm km đường rừng, đồi núi để đến các công trình, nhằm đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất… Chính những nỗ lực không mệt mỏi đó đã mang lại những kết quả ngoài mong đợi, góp phần quan trọng trong việc đưa tiến độ xây dựng Nhà máy A Vương vượt tiến độ gần 1 năm, được lãnh đạo trung ương, địa phương và chủ đầu tư đánh giá rất cao.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, sự thành công của A Vương có sự đóng góp vượt bậc của các nhà thầu, trong đó Hyco 4 miền Trung là đơn vị trực tiếp thi công hạng mục đập bê tông đầm lăn. Trong thi công A Vương, Hyco 4 miền Trung đã linh hoạt, chủ động ứng dụng những công nghệ thi công tốt nhất, với những giải pháp thi công phù hợp. Trong đó, đáng chú ý, Thủy điện A Vương là công trình thủy điện đầu tiên trên cả nước hoàn thành đập bê tông RCC vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật công trình.

 

“A Vương là dự án thủy điện có quy mô lớn đầu tiên lại Quảng Nam đã đưa vào vận hành vượt tiến độ Chính phủ phê duyệt gần 1 năm, góp phần quan trọng trong việc ổn định nguồn điện quốc gia. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của cách điều hành của chủ đầu tư, các đơn vị thi công, trong đó có Hyco 4 miền Trung. Công ty cổ phần A Vương lựa chọn Hyco 4 bởi đây là đơn vị có uy tín trong ngành xây dựng, đã được khẳng định trong lĩnh vực xây dựng thủy lợi, thủy điện với chất lượng thi công đảm bảo. Đóng vai trò là đơn vị thi công chính hệ thống đập thủy điện A Vương, Hyco 4 đã mạnh dạn áp dụng những công nghệ thi công mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Công trình hoàn thành theo đúng tiến độ và các thông số kỹ thuật đã được nghiệm thu, được các chuyên gia đánh giá cao”,  ông Lê nói.

 

Sự thành công của A Vương đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao uy tín của Hyco 4 tại miền Trung thông qua việc EVN - chủ đầu tư Dự án Thuỷ điện Sông Tranh 2 trực tiếp giao “đoàn quân Thủy lợi 4” tại miền Trung thi công tất cả hạng mục chính, từ đập dâng, đập tràn, đập phụ, cửa nhận nước..., của Dự án Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Dự án có tổng công suất lắp máy 190 MW, điện lượng trung bình hằng năm 679,6 triệu kWh, đặt tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

 

Đây cũng là một trong những dự án thuỷ điện có quy mô lớn tại Quảng Nam, có điều kiện thi công khắc nghiệt không kém gì Thuỷ điện A Vương. Nhưng với kinh nghiệm đúc kết từ A Vương, cán bộ, công nhân Hyco 4 tự tin đảm nhận nhiệm vụ và triển khai công việc thành công ngoài mong đợi.

 

Theo thông tin từ Ban quản lý Thuỷ điện 3, đơn vị đại diện EVN trực tiếp quản lý đầu tư Dự án Sông Tranh 2, Dự án đang bước vào giai đoạn quan trọng, các hạng mục liên quan đến đập phải hoàn thành đúng tiến độ tích nước vào quý III/2010 và phát điện vào đầu năm 2011. Với cao trình đập 90 m, đập tràn ngăn dòng sông Tranh, do chính Hyco 4 miền Trung thi công, đang bước vào những lớp bê tông cuối cùng. Nhìn công trình đập, mới thấy được năng lực cũng như công nghệ thi công của những người thợ Hyco 4.

 

Hướng về công trình đập chính đang thi công, đại diện Ban quản lý Thủy điện 3 thừa nhận, chủ đầu tư tuyệt đối tin tưởng vào năng lực của Hyco 4. Đây là nhà thầu hội đủ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ thi công các công trình thủy điện lớn, nhất là đã hoàn thành tốt tiến độ Dự án A Vương, là cơ sở giúp Dự án Sông Tranh hoàn thành tiến độ đã đề ra, đảm bảo phát điện tổ máy số 1 cuối năm 2010.

 

Đại diện Hyco 4 miền Trung tại công trình Sông Tranh tiết lộ, bí quyết thành công của Hyco 4 xuất phát từ sự đoàn kết từ trên xuống dưới, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo trong sản xuất… Cán bộ công nhân viên Hyco 4 luôn có những sáng kiến ứng dụng cao, như sáng kiến về thiết kế sản xuất lắp đặt hệ thống máng áp suất âm; sáng kiến về chế tạo ra phễu xả bê tông không bị phân tầng, đảm bảo tiến độ, giá thành hạ; sáng kiến về chế tạo và lắp đặt giàn cốp-pha treo phục vụ suốt quá trình thi công bê tông đầm lăn. Những sáng kiến này đã tiết kiệm về thời gian thi công và giá trị hàng tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án và góp phần đáng kể đưa tiến độ thi công hoàn thành theo đúng cam kết.

 

Những dự án thủy điện miền Trung rồi sẽ hoàn thành và điều trăn trở nhất hiện nay không chỉ đối với Tổng công ty, mà cả Hyco miền Trung chính là tiếp tục tìm những công trình mới để tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Đối với Hyco 4, những người thợ công trình là quan trọng nhất, đảm bảo cuộc sống cho họ chính là đảm bảo cho sự phát triển của Công ty, vì vậy, lãnh đạo Tổng công ty đang tiếp tục đa dạng hoá các ngành, nghề, để tìm ra những cơ hội kinh doanh mới. Đối với Hyco 4 miền Trung, ngoài đảm bảo tiến độ thi công 2 dự án thủy điện quan trọng là Sông Tranh 2 và Sông Bung 4A, lãnh đạo Chi nhánh đang đàm phán và tham gia những dự án thủy điện mới, như tham gia đấu thầu thi công dự án Sông Bung 2 và nhiều dự án khác…, tạo nên chuỗi hoạt động liên hoàn.

 

10 năm nhìn lại, tiếp nối truyền thống cũng như những thành công của thương hiệu “Thuỷ lợi 4”, Hyco 4 miền Trung đã thật sự trưởng thành, lớn mạnh và có thể đảm nhận những công trình có quy mô và độ khó lớn hơn. Quan trọng hơn, qua sự vươn lên của Hyco 4 nói chung và Hyco 4 miền Trung nói riêng, đất nước ta có thể tự hào về sự phát triển của những nhà thầu trong nước. Họ có thể tự tin làm chủ công nghệ, đảm nhận những công trình lớn mà trước đây Việt Nam chỉ kỳ vọng vào nhà thầu quốc tế.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM